10 ghi chép lịch sử về khả năng chữa bệnh kỳ lạ của y học cổ đại
Trong lịch sử văn minh phương Đông có tồn tại một nền y học cổ đại hoàn toàn khác xa với y học hiện đại. Rất nhiều hiện tượng được...
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Trong lịch sử văn minh phương Đông có tồn tại một nền y học cổ đại hoàn toàn khác xa với y học hiện đại. Rất nhiều hiện tượng được ghi chép lại mà y học hiện đại hoàn toàn không thể giải thích, khoa học hiện đại cũng chỉ có thể thực chứng được một phần, nhưng lại hoàn toàn khớp với nhận thức của người xưa, như các lý luận về châm cứu, kinh mạch, v.v.. Dưới đây là 10 ghi chép trong các sách sử nổi tiếng của Trung Hoa về khả năng chữa bệnh kỳ lạ của y học cổ đại.
1. Biển Thước trong Sử Ký
Theo Sử Ký nổi tiếng của Tư Mã Thiên, danh y Biển Thước tên là Tần Việt Nhân. Ông là người của nước Trịnh. Thời trẻ, Biển Thước từng làm việc tại một khách quán, tại đây ông gặp một vị khách tên là Trường Tang Quân. Biển Thước cảm thấy Trường Tang Quân cũng không phải là người tầm thường, và rất cung kính lễ độ.
Sau một thời gian dài, một ngày Trường Tang Quân bảo Biển Thước ngồi xuống và nói: “Ta có một phương thuốc bí mật, nay ta đã già rồi, muốn truyền cho ngươi, ngươi nhất định không được tiết lộ cho người khác.” Biến Thước đáp ứng.
Trường Tang Quân lấy ra một ít thảo dược và nói: “Hãy pha thuốc này với nước ở hồ Thượng Trì và uống trong 30 ngày.” Phương thuốc này giúp người ta có thể nhìn xuyên vật thể. Sau khi đưa thảo dược cho Biển Thước và truyền đạt tất cả những phương thuốc bí mật khác, Trường Tang Quân đột nhiên biến mất.
Biển Thước sau này trở thành một danh y. Dù có vẻ như ông chẩn đoán bằng cách bắt mạch, nhưng thật ra ông có thể biết rõ bằng cách nhìn xuyên vào cơ thể người. Ông lúc thì hành y tại nước Tề, có khi lại đến nước Triệu.
Biển Thước không phải là vị danh y duy nhất có khả năng này. Theo lịch sử y học cổ đại, một danh y khác là Tôn Tư Mạc, một người tu luyện theo trường phái Đạo, cũng có khả năng tương tự.
2. Triệu Giản Tử trong Sử Ký
Sử Ký viết, Triệu Giản Tử mắc bệnh, bất tỉnh năm ngày. Nhiều đại phu đã đến chẩn bệnh nhưng không có kết quả.
Biển Thước đến, ông nói: “Huyết mạch hết sức bình thường. Đừng lo lắng. Tần Mục Công từng gặp tình trạng này, và đã tỉnh dậy sau bảy ngày. Tình trạng của Triệu tiên sinh giống hết như Tần Mục Công. Ông ấy sẽ tỉnh dậy trong vòng ba ngày và sẽ kể một câu chuyện.”
Triệu Giản Tử đã tỉnh dậy sau hai ngày rưỡi, đúng như lời đoán của Biển Thước, và kể lại: “Tôi đã đi gặp các vị Thần trên trời. Tôi đi ngao du thiên quốc và thấy hàng trăm vị Thần.”
3. Bắt mạch trong Hậu Hán Thư
Hậu Hán Thư ghi chép một trường hợp về đại phu Quách Ngọc đoán giới tính của bệnh nhân chỉ bằng việc bắt mạch. Quách Ngọc là người ở khu vực Quảng Hán thuộc nước Lạc. Thầy của ông, Trình Cao, là học trò của Phù Ông, có khả năng chữa lành bệnh tức thời chỉ với một cây kim bằng đá. Sách của Phù Ông là Châm Kinh và Chẩn Mạch Pháp đã được lưu truyền cho đời sau.
Quách Ngọc là Thái y của Hán Hòa Đế (79-105 SCN). Phương thuốc của ông rất hiệu quả, nên nhà vua rất tò mò về khả năng của ông. Ông ra lệnh cho một người hầu nam có bàn tay giống nữ giới, và một nữ tỳ, ẩn sau một tấm màn, sau đó bảo Quách Ngọc bắt mạch cho tay trái của người nam và tay phải của người nữ.
Khi được hỏi người này có bệnh gì, Quách Ngọc đáp: “Tay trái là mạch dương còn tay phải là mạch âm. Thật kỳ lạ khi một người có cả mạch âm lẫn mạch dương. Thần đang tìm nguyên nhân.” Nhà vua đã không ngớt lời tán thán.
4. Ngũ Cầm Hý của Hoa Đà
Theo Tam Quốc Chí, Ngô Phổ ở Quảng Lăng và Phiền A ở Bành Thành, đều là học trò của danh y Hoa Đà. Hoa Đà nói với Ngô Phổ rằng:
“Con người cần vận động nhưng không thể quá sức. Vận động cho phép lương thực tiêu hóa, năng lượng lưu thông tốt và tránh xa bệnh tật. Nó giống như một bản lề cửa không bao giờ bị mối mọt. Vì thế các bậc Thánh nhân cổ đại rất giỏi việc điều khiển năng lượng của họ. Việc duỗi các cơ bắp và khớp nối có thể làm chậm quá trình lão hóa của con. Ta có một bộ bài tập tên gọi là Ngũ Cầm Hý, bắt chước theo hổ, hưu, gấu, khỉ và chim. Bộ bài tập này có thể tiêu trừ bệnh tật, khiến cho con linh hoạt, và lưu thông năng lượng tốt. Khi cảm thấy không khỏe, con hãy đứng dậy và tập một bài. Sau khi mồ hôi đổ ra, hãy dùng bột thuốc và con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng với sự thèm ăn lành mạnh.”
Ngô Phổ đã làm theo lời dạy của thầy. Ông đã sống đến tận cửu tuần với hàm răng chắc khỏe, thính giác tốt và thị giác nhạy bén.
Y đức Phạm Công Bân: Chữa bệnh cho thường dân trước Nguyên phi
5. Hứa Duận Tông trong Cựu Đường thư
Cựu Đường thư chép rằng Hứa Duận Tông là một quan viên vào thời nhà Đường, cũng là một ngự y trong dược phòng của triều đình. Vào năm 618 bùng nổ bệnh lao làm nhiều người chết. Trong khi nhiều vị đại phu khác bó tay hết cách thì Hứa Duận Tông lại có thế chữa khỏi hoàn toàn.
Một trong những người bệnh đã hỏi: “Y thuật của tiên sinh như Thần, hà cớ gì mà không viết thành sách lưu lại cho hậu thế?”
Hứa Duận Tông trả lời:
“Y thuật chính là ‘ý’. Chẩn đoán bằng cách ‘bắt mạch’ rất phức tạp, vì mỗi tình trạng đều khác nhau, chỉ có thể tâm ý lĩnh hội. Không có phương pháp chẩn đoán hay điều trị nào là phổ quát cả. Vì vậy, rất khó dùng ngôn từ để truyền lại những kỹ năng điều trị và chẩn đoán. Tự cổ đến nay, bậc danh y nào nổi bật hơn những người khác thì chỉ ở cách chẩn mạch. Trước tiên phải tìm được mạch tượng, sau đó mới có thể chẩn đoán bệnh tình, dùng thuốc mà trị bệnh. Nếu như chẩn bệnh chính xác, thì chỉ một loại thuốc là có thể trực tiếp trị khỏi bệnh, nhưng nếu không xác định mạch tượng, không liễu giải bệnh nhân, dựa trên phán đoán cá nhân mà chẩn bệnh thì sẽ phải dùng rất nhiều loại thuốc mà có khi vẫn không hết bệnh.”
“Cũng giống như việc đi săn mà không biết những con thỏ ở đâu. Nếu cử đi nhiều thợ săn, bắn bừa cũng có thể bắt được một hay hai con thỏ. Nhưng đó chỉ là may mắn. Chẳng phải sẽ rất cẩu thả nếu đối xử với bệnh nhân theo cách này sao? Tất cả điều tôi muốn nói là ‘bắt mạch’ rất huyền ảo và phức tạp. Nó không thể được dạy hay truyền lại bằng lời. Vì thế, tôi không thể viết sách về những cách điều trị của tôi.”
Có lẽ đây cũng là lý do nền y học cổ đại của phương Đông không được lưu truyền lại đầy đủ.
6. Tôn Tư Mạc trong Cựu Đường thư
Tôn Tư Mạc là một trong những danh y nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử y học Trung Hoa cổ đại. Ông được gọi là “Dược Vương” hay “Thần y” . Tùy Văn Đế đã cố mời ông làm quan, nhưng ông đã từ chối.
Ông nói với bạn mình: “Tôi sẽ không làm việc cho triều đình. 50 năm sau sẽ có một đấng minh quân, chỉ khi đó tôi sẽ bước ra giúp đỡ Ngài.”
50 năm sau đã xuất hiện Đường Thái Tông, vị hoàng đế được tôn sùng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ngài đã mời Tôn Tư Mạc đến kinh đô. Vua Đường rất ngạch nhiên bởi diện mạo trẻ trung của Tôn Tư Mạc.
Đường Thái Tông nói: “Ta luôn kính trọng những người tu luyện. Hôm nay, ta rất ấn tượng bởi Tôn Tư Mạc và điều này đã xác thực cho lòng tôn kính của ta.”
Tôn Tư Mạc sinh năm 581 và qua đời năm 682. Một tháng sau khi qua đời, diện mạo của ông không thay đổi và cơ thể không bị mục rữa mà trở nên rất nhẹ. Khi đưa thi thể ông nhập quan tài, những người khiêng ông chỉ cảm thấy sức nặng của quần áo. Mọi người đã hết sức ngạc nhiên.
Danh y thời cổ đại: Khó chữa được bệnh cho người giàu
7. Hòa thượng Hồng Uẩn trong Tống sử
Theo Tống sử, hòa thượng Hồng Uẩn là người vùng Trường Sa. Mẹ ông không thể thụ thai trong một thời gian dài. Cha mẹ ông tụng Kinh niệm Phật đều đặn, và sau này đã có thai, hạ sinh Hồng Uẩn. Năm 13 tuổi, ông đến thăm hòa thượng Trí Ba của chùa Khai Phúc để thỉnh cầu xuất gia và học nghề thuốc. Sau đó ông đã đến kinh đô và trở thành một thầy thuốc trứ danh.
Tống Thái Tổ đã mời Hồng Uẩn vào cung và phong cho ông là Quảng Lợi Đại sư. Theo yêu cầu của Tống Thái Tổ, Hồng Uẩn đã ghi chép lại hàng chục đơn thuốc cổ truyền. Ông cũng đến thăm Tống Chân Tông và ghi chép lại những đơn thuốc cho các loại bệnh khác nhau.
Hồng Uẩn có kỹ năng đặc biệt về bắt mạch cho bệnh nhân. Ông có thể dự đoán chính xác tuổi thọ của một người. Người trong hoàng cung và các đại thần thường xuyên mời ông đến chữa trị bởi y thuật cao minh của ông. Đến năm Cảnh Đức thứ nhất, ông ly thế khi 68 tuổi.
8. Nguyên sử ghi chép về Lý Cảo
Theo Nguyên sử, Lý Cảo xuất thân trong gia đình phú hộ ở Chân Định và yêu thích y thuật từ khi còn nhỏ. Ông đã trả 1.000 lạng vàng theo học y thuật của danh y Trương Nguyên Tố suốt mấy năm.
Lý Cảo rất giỏi trong việc chữa trị sốt thương hàn và ung nhọt, và bệnh về mắt. Vì gia đình giàu có và ông không cần hành nghề y để kiếm sống, ông chữa bệnh chỉ vì đó là sở thích của ông. Bản tính ông thanh cao chính trực, không chịu luồn cúi bao giờ, vậy nên nếu như không phải trường hợp cấp bách thì không ai dám nhờ ông chữa trị.
Vương Thiện Phủ, một quan viên ở Bắc Kinh phụ trách việc buôn bán rượu, là một trường hợp khẩn cấp như thế. Vương Thiện Phủ mắc bệnh có nhiều triệu chứng như khó đi tiểu, mắt lồi, bụng trướng sưng to và đầu gối bị cứng, ăn uống không được, không có thuốc xổ hay đơn thuốc nào có hiệu quả.
Lý Cảo nói với các y sinh khác: “Bệnh của ông ấy đã nghiêm trọng rồi. Hoàng Đế Nội Kinh viết rằng ruột là nơi chứa chất lỏng. Cách duy nhất để chất lỏng trôi đi là làm tan Khí. Thuốc xổ khiến bệnh tình nặng hơn vì nó khiến cho Khí khó tan đi. Khải Huyền Tử nói: ‘Âm không thể được sinh ra cùng với dương. Dương không thể hòa tan với âm.’ Thuốc xổ làm tăng dương. Vì thế dương của ông ấy tăng lên nhiều, nhưng âm bị mất đi. Làm sao Khí có thể tan được chứ.”
Lý Cảo đã kê một đơn thuốc gồm các thảo dược mang tính âm. Bệnh nhân đã được chữa lành sau khi dùng một đơn thuốc này.
Nhiều cách điều trị của Lý Cảo cũng có hiệu quả tương tự. Người đương thời xem ông là một thần y. Sách y thuật của ông đã lưu truyền hậu thế.
9. Minh sử ghi chép về Cát Kiền Tôn
Theo Minh sử, Cát Kiền Tôn là người vùng Trường Châu. Cha ông, Cát Ứng Lôi, nổi tiếng vì y thuật cao minh. Cát Kiền Tôn thân thể cao lớn. Ông thích săn bắt và trận pháp, nhưng sau đó ông lại thích đọc sách, tinh thông quy luật âm dương, quy luật tự nhiên và thiên văn.
Sau khi thất bại trong nhiều lần khoa cử, ông đã theo nghề của cha. Ông không thường xuyên chữa trị, nhưng khi chữa thì các phương pháp của ông kỳ lạ mà có hiệu quả một cách thần kỳ. Danh tiếng của ông sánh ngang với Kim Hoa và Chu Đan Khê, hai danh y cùng thời với ông.
Cát Kiền Tôn từng được mời chữa bệnh cho một tiểu thư trong một gia đình phú hộ. Cô không thể cử động tứ chi, nói chuyện hay ăn, dù cô có thể mở mắt. Nhiều thầy thuốc không thể chữa trị căn bệnh kỳ lạ này của cô. Cát Kiền Tôn đã bảo người nhà đem mọi thứ có mùi thơm ra khỏi phòng cô. Ông đã đào một cái hầm và đưa cô vào đó. Sau một lúc, cô gái bắt đầu cử động và nói chuyện. Cát Kiền Tôn đưa cho cô một viên thuốc. Cô gái đã có thể ra khỏi hầm vào hôm sau. Chẩn đoán của Cát là lá lách của cô đã bị tổn hại do mùi thơm trong phòng cô.
10. Thuật châm cứu của Chu Hán Khanh
Theo Minh sử, Chu Hán Khanh là thầy thuốc ở vùng Tùng Dương, có tài châm cứu siêu việt. Một lần, một phụ nữ họ Mã đã mang thai 14 tháng nhưng không thể sinh nở. Nhìn cô ốm yếu và đen đúa. Chu Hán Khanh nói: “Cô không hề có thai. Có sâu độc ở trong ruột cô.” Ông đã chữa trị cho cô bằng châm cứu. Những con sâu trông giống cá vàng được tìm thấy trong phân của cô và cô đã được chữa lành.
Một lão bà tên Từ bị động kinh nặng. Tay chân bà run lẩy bẩy. Bà trần truồng đi ra ngoài, cười và hát. Chu Hán Khanh đã châm vào mỗi ngón tay của bà một mũi kim và lấy ra ít máu. Triệu chứng của bà đã biến mất.
Một phụ nữa khác họ Trần có một khối u cứng trong bụng. Chu Hán Khanh nói rằng bà bị tắc nghẽn ruột. Ông hơ nóng một mũi kim và châm vào khối u. Mủ chảy ra ngoài theo cây kim và bà đã được chữa lành.
Một người trẻ tuổi họ Hoàng không thể duỗi thẳng lưng và phải dùng một cây gậy để đi lại. Các thầy thuốc khác chữa trị cho anh không được. Chu Hán Khanh nói: “Đây là do bị ứ máu.” Ông đã châm một kim vào huyệt Côn Luân trên chân của bệnh nhân. Ngay lập tức người này có thể đi lại mà không cần gậy.
Theo “Các ghi chép lịch sử của Trung Y truyền thống”
Đăng lại từ Minghui.org
Ngũ thường và ngũ hành ảnh hưởng đến ngũ tạng
Mời xem video :