10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Có mã lên gấp đôi dù thị trường gặp khó
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về CFV của Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV) với 100,4%. Giá cổ phiếu CFV tăng từ 22.700 đồng/cp lên 45.500 đồng/cp chỉ sau một tuần giao dịch.
Thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại sau 7 tuần tăng liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch từ 5-9/9, VN-Index đứng ở mức 1.248,78 điểm, tương ứng giảm 28,57 điểm (-2,48%) so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 8,19 điểm (-2,5%) xuống 284,63 điểm, UPCoM-Index giảm 1,8 điểm (-1,95%) xuống 90,64 điểm.
Thanh khoản thị trường thấp hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt đạt 17.758 tỷ đồng/phiên, giảm 4% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 5,9% và đạt 15.990 tỷ đồng/phiên.
Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn đều có biến động tương đối tiêu cực từ đó khiến các chỉ số điều chỉnh. Trong top 10 về vốn hóa toàn thị trường có đến 23 mã giảm giá trong khi chỉ có 7 mã tăng. Đứng đầu danh sách giảm giá là VGI của Viettel Global ( UPCoM: VGI ) với 7,9%. Tiếp sau đó, BID của BIDV ( HoSE: BID ) cũng giảm 7,5% trong một tuần giao dịch. Bên cạnh BID, nhiều mã ngân hàng khác cũng biến động tiêu cực khi thông tin nới room tín dụng không được như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. VCB của Vietcombank ( HoSE: VCB ) giảm 6,2%, VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam ( HoSE: VIB ) giảm 5,6%, CTG của Vietinbank ( HoSE: CTG ) giảm 5%, MBB của Ngân hàng Quân đội ( HoSE: MBB ) giảm 4,4%.
Ở chiều ngược lại, HPG của Hòa Phát ( HoSE: HPG ) có biến động tích cực và đi ngược lại xu thế chung khi tăng 3,5%. Bên cạnh đó, NVL của Novaland ( HoSE: NVL ) và SAB của Sabeco ( HoSE: SAB ) cũng tăng trên 3%.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về VNS của Ánh Dương Việt Nam ( HoSE: VNS ) với hơn 16%. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã có thông báo đưa cổ phiếu VNS ra khỏi diện kiểm soát kể từ ngày 5/9 bởi công ty có đã có lãi.
Tiếp sau đó, TLG của Tập đoàn Thiên Long ( HoSE: TLG ) cũng tăng giá gần 16% chỉ sau một tuần giao dịch. Hiện tại, TLG đang giao dịch ở mức giá cao nhất mọi thời đại 68.500 đồng/cp. Cổ phiếu này đã tăng 81% trong vòng 4 tháng qua.
Ở sàn HNX, cổ phiếu NSH của Tập đoàn Nhôm Sông Hồng Shalumi ( HNX: NSH ) tăng giá mạnh nhất với hơn 31%. Cổ phiếu NSH tăng kèm theo với thanh khoản cải thiện đáng kể, gấp 6,6 lần tuần trước. Cổ phiếu này cũng mới được HNX đưa ra khỏi diện cảnh báo từ 23/8 do được kiểm toán chấp thuận toàn phần tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022.
Cổ phiếu TKC của Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ ( HNX: TKC ) cũng gây chú ý khi tăng hơn 28,4%. Mới đây, doanh nghiệp này thông báo ngày 22/9 sẽ chốt danh sách trả cổ tức 2021 và thưởng cổ phiếu tổng tỷ lệ 40%. Cụ thể, TKC sẽ phát hành 3,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho năm trước theo tỷ lệ 30%. Ngoài ra, công ty cũng sẽ thưởng thêm hơn 1 triệu cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, tức người sở hữu 10 cổ phiếu nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về CFV của Cà phê Thắng Lợi ( UPCoM: CFV ) với 100,4%. Giá cổ phiếu CFV tăng từ 22.700 đồng/cp lên 45.500 đồng/cp chỉ sau một tuần giao dịch. Tính xa hơn, CFV đã có 18 phiên tăng trần liên tiếp từ mức chỉ 4.300 đồng/cp lên thành 45.500 đồng/cp. Doanh nghiệp này mới đây đã có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Theo đó, lãnh đạo CFV khẳng định: "Công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng trần nhiều phiên liên tiếp". Mặc khác, công ty còn có thông tin bất lợi là việc báo lỗ trong báo cáo tài chính bán niên. Vì vậy, xét theo số liệu như trên và tình hình thực tế thì công ty không có căn cứ giải trình liên quan đến việc giá cổ phiếu đã tăng trần 5 phiên liên tiếp.
Giảm giá
Ở sàn HoSE, cổ phiếu giảm mạnh nhất là KPF của Đầu tư Tài chính Hoàng Minh ( HoSE: KPF ) với hơn 20%. Cổ phiếu này đã có 5 phiên giảm sàn từ 31/8 đến 8/9 sau khoảng thời gian bứt phá mạnh trước đó.
Cổ phiếu ITA của Đầu tư Công Nghiệp Tân Tạo ( HoSE: ITA ) cũng giảm hơn 18%. Cổ phiếu ITA lao dốc trong tuần vừa qua được cho là ảnh hưởng từ thông tin Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP HCM rà soát khoản tiền tạm ứng cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến. Mới đây, HoSE đã có thông báo về khả năng đưa cổ phiếu ITA vào diện kiểm soát. HoSE cho biết công ty chậm công bố BCTC soát xét bán niên 2022. Sau khi bị nhắc nhở, doanh nghiệp đã gửi văn bản giải trình lý do và đề nghị xin gia hạn thời gian công bố thông tin.
Tại sàn HNX, có ba cổ phiếu giảm giá trên 20% là LDP của Dược Lâm Đồng - Ladophar ( HNX: LDP ), TPH của In Sách giáo khoa TP Hà Nội ( HNX: TPH ) và VE3 của Xây dựng điện VNECO 3 ( HNX: VE3 ). Tuy nhiên, trong số này chỉ có LDP thuộc diện thanh khoản ở mức trung bình trong khi TPH và VE3 có thanh khoản rất thấp.
Tại sàn UPCoM, toàn bộ các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Trong đó, cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc BMF của VLXD và Chất đốt Đồng Nai ( UPCoM: BMF ) với mức giảm gần 38%. Tuy nhiên, cổ phiếu này chỉ có duy nhất giao dịch khớp lệnh trong phiên 6/9 với khối lượng khớp lệnh 100 đơn vị, trước đó, BMF đã có 26 phiên không xuất hiện giao dịch.