1 tuần đi học lại, nhiều trẻ mầm non vẫn khó khăn để hòa nhập
Tại Hà Nội, học sinh mầm non mới đi học lại được gần 1 tuần, có rất nhiều vấn đề đã bộc lộ.
Sau mấy ngày đi học trở lại, nhiều bạn nhỏ vẫn chưa sẵn sàng. Bố mẹ nào cũng mủi lòng trước cảnh con khóc lóc nhưng ai cũng hiểu, đi học vẫn tốt hơn ở nhà.
Chị Phạm Thị Thúy Anh (Quận Hà Đông, Hà Nội ) từng là giáo viên mầm non, chị rất hiểu con mình thiếu hụt những gì trong khoảng thời gian ở nhà quá lâu.
Con gái của anh Phạm Anh Sơn (Quận Tây Hồ, Hà Nội) rất hào hứng khi đi học trở lại, đó là một thuận lợi. Nhưng trong những dặn dò, trao đổi với giáo viên, anh mong nhất các các cô sẽ rèn nắn lại những ý thức, nền nếp mà con đã bị buông lỏng trong thời gian qua.
Ngại đi học, sợ đi học, tâm lý này xuất hiện không chỉ ở những trẻ lần đầu tiên đến trường đó còn là tâm lý của nhiều bé từng đi học nhưng rồi nghỉ lâu ở nhà, giờ mới quay trở lại. Hiểu và và kiên nhẫn với những lo lắng lúc này của trẻ mới giúp trẻ sớm có được sự vui vẻ khi đến trường.
Nghỉ dịch, trẻ mầm non nào cũng thiệt thòi nhưng đáng chú ý là các bé 5 tuổi, năm nay các con lên lớp 1. Ở thời điểm này lẽ ra đã phải thực hiện được một số yêu cầu cơ bản thì các con giờ mới đang củng cố, ôn tập. Nhiều kỹ năng, kiến thức chưa đạt được theo yêu cầu.
Thiếu hụt một số kỹ năng ở trẻ mầm non
Bữa ăn sáng của các bé 5 tuổi, một số bạn tự ăn nhưng một số bạn cần cô hỗ trợ. Sau bữa ăn, các con được hướng dẫn đi cất bát thìa vào đúng vị trí, lấy khăn lau miệng. Đây là một yêu cầu về khả năng tự phục vụ, nhiều bạn đã quên việc này.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đánh giá sự phát triển của trẻ có 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội. Trong thời gian nghỉ dịch, dù các gia đình đã rất cố gắng chăm sóc con trẻ, thì có những kiến thức, kỹ năng chỉ học ở trường mới đầy đủ được.
Như với các bé 5 tuổi này, một số yêu cầu cần đạt là thuộc bảng chữ cái, biết thêm bớt trong phạm vi 10. Tiết học Toán này, cô giáo Vũ Thị Bích Ngọc (Trường mầm non Lucky Star, Hà Nội) đang hướng dẫn lập số và nhận biết chữ số 6. Nhiều bạn không hiểu được yêu cầu của cô.
Với một số bạn, khó nhất là chuyện hòa nhập, các con rụt rè, nhút nhát trước đám đông. Cô giáo phải ngồi kèm bên cạnh, liên tục động viên và khích lệ.
Có những bạn vui vẻ học tập, có những bạn vẫn còn thổn thức, đó là điều dễ hiểu trong những ngày đầu trở lại trường. Cần nhiều yêu thương và sự tận tình của giáo viên để lớp học luôn vui vẻ.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm học. Lúc này, các trường mầm non vừa phải làm nhiệm vụ tạo sự hứng thú cho học sinh đi học trở lại, vừa phải đảm bảo bù đắp kiến thức thiếu hụt cho các con. Sẽ vất vả và cần nhiều sự nỗ lực hơn nữa ở những cô giáo mầm non.
Nỗ lực củng cố kiến thức, kỹ năng cho trẻ mầm non
Tại Trường mầm non Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bài học về tư thế ngồi và cách cầm bút lẽ ra các con phải học từ tháng 9 năm ngoái. Dù nhà trường đã gửi video về nhà cho các con trong thời gian nghỉ dịch, thì không dễ để các con thực hiện đúng. Thời gian vào lớp 1 đã rất gần, cô giáo phải uốn nắn nhiều thứ.
Để thu hút sự chú ý của học sinh cũng như niềm yêu thích học tập, nhà trường cũng phải chú trọng những tiết học hấp dẫn. Thí nghiệm có tên là: Những hạt màu nhảy múa. Cô giáo hướng dẫn học sinh đổ sữa ra đĩa, nhỏ màu thực phẩm lên, sau đó chấm một ít xà phòng vào.
Với tiết kể chuyện này, ngoài giọng kể truyền cảm, cô giáo kết hợp thêm âm nhạc và cả mô hình minh họa. Giờ kể chuyện trở nên vô cùng lôi cuốn với học sinh.
Nhưng trong một lớp học, sẽ vẫn có những bạn chưa sẵn sàng, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ học sinh.
Những ngày đầu bỡ ngỡ, rụt rè sẽ qua đi. Có cô, có bạn, có những hoạt động hấp dẫn, các em bé sẽ sớm yêu trường, thích đi học và thực sự hạnh phúc với việc đến trường.