1 thành phố của Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tài chính Châu Á, GRDP bình quân 37.000 USD

Chia sẻ Facebook
02/05/2022 23:21:20

Thành phố này là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước.


Theo Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho thấy trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Tp.HCM tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước.

Năm 2021, dù phải đối mặt với đợt bùng dịch nghiêm trọng lần thứ tư nhưng Tp.HCM đã chi hơn 12.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 383.703 tỷ đồng, vượt dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tăng 12,9%; lượng kiều hối về Thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương.

Đến năm 2025, Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, Tp.HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu cho cả du khách và các nhà đầu tư quốc tế.

Cầu Thủ Thiêm 2 - Biểu tượng kiến trúc mới trên sông Sài Gòn hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước


6 nội dung trọng tâm phát triển Tp.HCM

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Thành phố đề ra 6 nội dung trọng tâm. Một là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế Thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Hai là, Thành phố phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.

Ba là, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, luôn đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường hòa bình trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; xử lý có hiệu quả các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.

Năm là, tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên tinh thần chủ động và sáng tạo, phù hợp với đặc điểm và tình hình của thành phố, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy hiệu quả nguồn kiều hối cho sự phát triển toàn diện của Thành phố.

Sáu là, đổi mới quản lý TPHCM; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội giai đoạn 2017-2022, đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, cụ thể, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Chia sẻ Facebook