Trí tuệ của cổ nhân: Răn người làm quan
Người làm quan vốn mang trên vai sinh mệnh của dân chúng, nên cần thanh chính liêm khiết, không sợ quyền thế, và quan trọng nhất chính là hết lòng vì dân, thương dân. Cụ thể người làm quan khi đối đãi với các vấn đề của đời sống xã hội thì như thế nào? Sách Cổ học tinh hoa có ghi lại bài răn dành cho người làm quan của Trương Động Sơ như sau.
1. Người gây phúc thì thanh đạm mà lâu dài, kẻ cầu phúc thì nồng nàn mà ngắn ngủi. Người làm quan nên vì đời mình mà tiếc danh, không nên vì đời mình mà mua danh.
Có học thức, chuộng khí tiết, lấy, cho phải cẩn thận, uy nghi phải trang trọng, ấy thế là tiếc danh.
Tâng bốc lẫn nhau, a dua những kẻ quyền quí, làm ra kiểu cách khác thường, lờ mờ hai mặt, ấy thế là mua danh.
Người tiếc danh thì yên lặng mà hay, kẻ mua danh thì rực rỡ mà dở.
2. Người làm quan nên vì con cháu gây phúc, không nên vì con cháu cầu phúc.
Nghiêm giữ phép nhà, chuộng sự tiết kiệm, chất phác, dạy cho chúng biết chữ, cho chúng có nghề, chứa nhiều âm đức, ấy thế là gây phúc.
Mua nhiều cửa nhà, ruộng đất, giao kết với những người quyền thế, tranh lợi nhỏ mọn với dân, mua công danh cho con cháu, ấy thế là cầu phúc.
3. Người làm quan nên vì một nhà dùng của, không nên vì một nhà mà hại của.
Giúp cho họ hảng, làng nước, tiêu rộng rãi về việc học, cứu kẻ khốn cùng, chăm giúp việc nghĩa, ấy thế là dùng của.
Ăn mặc hoang, xướng hát nhiều, yến hội luôn, tụ tập lắm đồ châu báu, ấy thế là hại của.
Người biết dùng của tuy thiệt mà vẫn có thừa, kẻ không biết dùng của tuy thừa mà vẫn thiếu.
4. Người làm quan nên vì thiên hạ nuôi thân, không nên vì thiên hạ tiếc thân.
Bớt thị dục, giảm lo phiền, ít phẫn nộ, tiết ẩm thực, ấy thế là nuôi thân.
So kè lợi hại, xa tránh khó nhọc, tham quyền cố vị, chăm chăm việc vợ con, nhà cửa, ẩy thế lả tiếc thân.
Người nuôi thân thì im lặng mà to, kẻ tiếc thân thì thoả thuê mà nhỏ.
Bốn đoạn bài răn dạy này nêu rõ một người làm quan cần làm thế nào đối đãi với thân mình, với con mình, với nhà mình, và với thiên hạ. Mỗi đoạn cân nhắc tách bạch lợi hại, rồi lại bày tỏ tinh tường sự kết quả của cả đôi đường hay dở. Bài này chẳng những riêng cho người làm quan, mà aí nấy đã có chút công danh của cải muốn cho được yên vui sung sướng cũng nên ngâm đọc, soi ngắm hàng ngày.
Đạo làm quan thời xưa đại để là không làm phiền nhiễu dân chúng, không phô trương hình thức, không thể hiện quyền uy, giữ mực giản dị, gặp người nghèo khổ hay khốn khó thì dốc sức tương trợ, dù là hạng người thấp kém tù tội cũng không đối xử khác đi, thường xuyên quản thúc và giáo dục người nhà biết khiêm cung với dân… Người có thể làm “cha mẹ của dân” thì trước tiên phải coi dân làm cha mẹ của mình mà đối đãi.
Theo Cổ học tinh hoa
Ninh Sơn tổng hợp
Trí tuệ của cổ nhân: Thành thật làm người, làm đến tể tướng
Mời xem video :