Top 10 tỉnh, thành có mục tiêu GRDP bình quân năm 2025 cao nhất cả nước
Top 10 tỉnh, thành có mục tiêu GRDP bình quân năm 2025 cao nhất cả nước
Trong đó, Hải Phòng là thành phố có mục tiêu GRDP bình quân đầu người dẫn đầu cả nước, sau đó đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bình Dương, TP. HCM.
Hải Phòng là thành phố tăng trưởng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong nhiều năm qua, đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 cao nhất cả nước với 273 triệu đồng.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân tối thiểu đạt 14,5%/năm, thu ngân sách đạt 145.000 tỷ đồng. Qua đó, GRDP của Hải Phòng có thể chiếm 6,4% GDP toàn quốc và chiếm 23,7% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hơn nữa, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản trở thành đô thị loại 1, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là trọng điểm kinh tế biển cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng xác định từ nay đến năm 2025, tập trung thực hiện các giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu: Hiện đại hoá đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển-logistics, hạ tầng khu công nghiệp và phát triển hạ tầng du lịch.
Xếp sau Hải Phòng là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu , theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí). Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu GRDP bình quân đạt 238 triệu đồng.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định mục tiêu phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, tỉnh chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP trừ dầu khí) giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 7,6%/năm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ như: Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng tài liệu quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Quảng Ninh là tỉnh có mục tiêu GRDP bình quân cao thứ 3 cả nước đến năm 2025. Cụ thể, về kinh tế, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm và GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 230 triệu đồng.
Quảng Ninh dự kiến cơ cấu kinh tế năm 2025: Ngành công nghiệp - xây dựng đạt 49-50%; dịch vụ đạt 46-47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3-5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân tăng hơn 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hơn 11%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt hơn 75%.
Để đạt được mục tiêu trong phát triển, tỉnh sẽ đảm bảo tiêu chí nhanh và bền vững: Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, từng bước phát triển kinh tế số.
Đồng thời, Quảng Ninh xác định ngành du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững ngày càng giữ vai trò chủ đạo và sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP.
Đối với Bình Dương , giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%; GRDP bình quân đầu người đạt 215 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33-34% GRDP; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu, Bình Dương đưa ra một số chiến lược sau: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Hiện nay, TP. HCM đang là thành phố đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội. Theo định hướng phát triển của thành phố, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hằng năm sẽ đạt khoảng 8%. Cùng với đó, thành phố đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 199 triệu đồng.
Đồng thời, thành phố nỗ lực trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đặc biệt, thành phố phấn đấu đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.
Để đạt được mục tiêu này, TP. HCM thực hiện đổi mới trong quán lý thành phố, tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông.
Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Xếp vị trí thứ 6 là Hà Nội , đến năm 2025, xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.
Cùng với đó, thành phố nỗ lực tạo mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP bình quân đạt 197 triệu đồng.
Các tỉnh, thành còn lại gồm có Bắc Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Thái Nguyên có mục tiêu GRDP bình quân đầu người lần lượt là 190, 186, 160, 150 triệu đồng.