Tỉnh nhỏ có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, nhiều chỉ tiêu kinh tế top đầu
Sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay, địa phương này đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp đầu cả nước.
Bắc Ninh nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Bắc Ninh rộng 822,7 km2 - nhỏ nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dân số Bắc Ninh hơn 1,46 triệu, mật độ dân số 1.778 người/km2, đứng đầu các tỉnh và đứng thứ ba cả nước sau TP. HCM (4.375 người/km2) và Hà Nội (2.480 người/km2).
Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm hai thành phố Bắc Ninh và Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và Lương Tài.
Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh cho biết, tỉnh có các đường giao thông lớn, quan trọng chạy qua, nối liền các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa của miền Bắc: quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc.
Kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 (giá SS năm 2010) ước 133.609 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2020 (đứng thứ 7 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước); GRDP bình quân đầu người ước 6.738 USD (đứng thứ 4 toàn quốc).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ lệ 77,3%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 20%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,7%.
Về thu ngân sách nhà nước ước đạt 33.257 tỷ đồng, vượt 19,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 25.518 tỷ đồng, vượt 14,3% dự toán.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước 8.247 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 3,6% so với năm trước, đạt 100,2% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đầu người 71,8 triệu đồng (đứng thứ 5 toàn quốc). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 84,1 tỷ USD, vượt 22,2% kế hoạch, tăng 16,2%, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước 45,2 tỷ USD, vượt 24%, tăng 15,7% (đứng thứ nhất toàn quốc).
Về giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 28.000 lao động, tăng 1,8% so với năm 2020, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%.
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ và hỗ trợ xây dựng 578/684 nhà ở cho người có công (đạt 85% kế hoạch)và hộ nghèo được 135/195 nhà (đạt 69,2% kế hoạch). Ngoài ra, hỗ trợ cho người lao động và Nhân dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 224 tỷ đồng; vận động ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19 được hơn 546 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15% (theo chuẩn mới).
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; ký kết thỏa thuận phát triển Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, biên bản ghi nhớ với đối tác chiến lược của Nhật Bản phát triển dự án kho vận tại Khu công nghiệp Yên Phong 2A; tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 98%, đứng thứ 3 cả nước.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,2 tỷ USD. Cấp mới đăng ký đầu tư 58 dự án trong nước với tổng vốn 22,64 nghìn tỷ đồng; thành lập mới 2.334 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 28,62 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả các chỉ số năng lực điều hành của chính quyền các cấp. Trong đó, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) vượt lên đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đứng thứ 9/63 (tăng 7 bậc); chỉ số PAR Index tăng 3,1%, đứng thứ 17/63 (tăng 1 bậc); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI duy trì trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất cả nước.