Tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam đang có các chỉ tiêu kinh tế vượt trội ra sao?
Không chỉ có thu nhập bình quân cao nhất cả nước, Bình Dương còn nằm trong top dẫn đầu cả nước ở rất nhiều chỉ tiêu như FDI, xuất nhập khẩu, thu nội địa, thu nhập bình quân lao động...
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với thời điểm mới chia tách tỉnh.
Với việc tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong nhiều năm liên tục, GRDP bình quân đầu người của Bình Dương hiện nay đạt gần 7.000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 104 lần sau 25 năm.
Về đầu tư nước ngoài, tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Bình Dương hiện đang đứng thứ hai về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư gần 2,64 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ.
Về thu nội địa, Bình Dương đứng thứ ba, và Bình Dương cũng là tỉnh đứng thứ ba cả nước về đóng góp và tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương.
Mặt khác, Bình Dương cũng có tỷ lệ xuất siêu cao nhất. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đạt 21,8 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Cùng thời gian, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ; qua đó duy trì thặng dư thương mại là 6,6 tỷ USD.
Bình Dương cũng là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2021...
... và là địa phương có thu nhập bình quân người lao động cao thứ hai cả nước trong quý II/2022 với mức 8,9 triệu đồng/người/tháng.
Bình Dương đứng thứ 2/63 tỉnh thành về Chỉ số Quản trị và Hành chính công (PAPI), đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021…
Bình Dương đứng thứ hai về PAPI (sau Thừa Thiên - Huế) với 47,178 điểm. Bình Dương đạt 69,61 điểm PCI, đứng thứ 6 cả nước về năng lực cạnh tranh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả, môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm cải thiện, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên... thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực phát triển mới.