Thủ tướng: Cần nghiên cứu chế tài về tiền ảo để chống rửa tiền
"Dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Dù không có chế tài xử lý, thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh. Thực tế đang vướng chỗ này, cũng rất sốt ruột. Vì vậy, phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm.
Chiều 24/10, tại kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn tỉnh Quảng Nam) cho rằng, tiền số, tài sản số là một sản phẩm công nghệ xuất hiện phổ biến trong thời gian qua. Tiền số, tài sản số rất dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền số, tài sản số là một kênh để tội phạm có thể lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Đại biểu đoàn Quảng Nam nhấn mạnh, vấn đề tiền số, tài sản số có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp. Ông đề nghị, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số để ngăn chặn rủi ro.
Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng cần phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động này.
Cũng đề cập đến tiền điện tử, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh (đoàn Khánh Hòa) nêu rõ, đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế của kinh tế thế giới, rất nhiều quốc gia đã nhìn nhận và công nhận vai trò của tiền điện tử và thậm chí có cả những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh và đảm bảo cái vai trò của đồng tiền điện tử.
"Đây là khái niệm rất mới, do vậy dự thảo luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này", ông Trần Tuấn Anh nói và đề nghị cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài.
"Nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, quản lý kinh tế đã có công nhận pháp lý với tiền điện tử, tuy nhiên cũng cần dựa trên cơ sở căn cứ pháp luật trong nước để đảm bảo cái tính khả thi và tương thích", ông nêu quan điể,.
Đồng quan điểm, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) lưu ý, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ thì thực tế còn rất nhiều loại giao dịch khác. Ông đề nghị bổ sung thêm một loại nữa là tiền ảo. "Tiền ảo hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận, đồng ý, nhưng thực tế có giao dịch rất nhiều. Và cũng rất nhiều người tham gia hoạt động đó là sàn tiền ảo, như vậy đây là nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất, ông Sinh nói.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay khi thảo luận ở Chính phủ cũng có hai loại ý kiến. Tuy nhiên, tờ trình thống nhất không đưa nội dung tiền ảo vào quy định của dự thảo luật vì hiện chưa có căn cứ pháp lý để công nhận tiền ảo.