Thi đánh giá tư duy ở Hà Nội: Sẽ không thể có mưa điểm 9, 10

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 10:12:37

Ngày 15-7, hơn 7.000 thí sinh đã hoàn thành kỳ thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Kết quả thi này sẽ được chia sẻ sử dụng cho 20 trường đại học xét tuyển trong năm nay.

Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi tại địa điểm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: TH. HUYỀN


Năm 2022 là năm đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy và c hia sẻ dữ liệu với 20 trường để tuyển sinh. Trong số này, ngoài các trường khối kỹ thuật, còn có đại diện của khối sức khỏe là Trường ĐH Dược Hà Nội.


Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đề thi đánh giá tư duy chia làm 3 bậc: thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo.


"Nếu đề thi tốt nghiệp THPT có câu hỏi ở mức thông hiểu chiếm khoảng 50% thì ở đề thi đánh giá tư duy, câu hỏi mức thông hiểu chỉ chiếm 20%, trong khi đó sẽ gia tăng tỉ lệ câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng sáng tạo. Phần vận dụng sáng tạo là nội dung chủ chốt để phân loại", ông Điền cho biết.


Tuy nhiên, ông Điền cũng khẳng định đề thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không nhằm đánh đố thí sinh, cũng không phải đề thi chọn học sinh giỏi. Để có kết quả thi tốt, thí sinh cần học chắc kiến thức cơ bản và có khả năng vận dụng kiến thức. Với đề thi đo lường năng lực tư duy không thể luyện thi cấp tốc, càng không thể học "tủ".


Nhận định về kết quả thi, ông Nguyễn Phong Điền cho biết: "Không thể có mưa điểm 9, 10. Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá tư duy, thì điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ không thể vượt quá 27 điểm".


Trao đổi chung về vấn đề tuyển sinh, ông Nguyễn Phong Điền cho rằng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội muốn sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy làm nền tảng trong tuyển sinh, nhưng vẫn cân nhắc đến quyền lợi của thí sinh ở những vùng miền khác nhau không có điều kiện tham gia kỳ thi này.


Trong đề án tuyển sinh của trường năm 2022, có khoảng 20-30% chỉ tiêu dành cho phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhưng với một số ngành có mức cạnh tranh cao thuộc lĩnh vực điều khiển tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thông tin... thì tới một thời điểm nào đó, thí sinh sẽ phải chấp nhận việc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dành toàn bộ chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức thi đánh giá tư duy.


Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức có 5 cụm thi tại Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Nghệ An, Đà Nẵng. Trong đó cụm thi tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số thí sinh dự thi đông nhất, với 4.276 thí sinh.


Năm 2022, ngoài Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM tới thời điểm này cũng tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực cho phép các cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả để tuyển sinh. Lần đầu tiên khối Bộ Công an cũng tổ chức kỳ thi đánh giá để lấy kết quả xét tuyển đầu vào cho các trường thuộc Bộ Công an.


Tuy đa dạng phương thức xét tuyển, nhưng theo số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, vẫn có 87% trong số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học. Nhưng trong tương lai, phương thức truyền thống sẽ không còn được ưu tiên.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chính thức tuyển sinh bằng xét tuyển tổng hợp đánh giá năng lực toàn diện người học trong năm nay.

Chia sẻ Facebook