Tài xế xe công nghệ tính bỏ việc, hàng hóa tăng giá khi xăng dầu liên tiếp lập 'đỉnh'
Từ ngày 23/5, mỗi lít xăng RON 95 tăng 670 đồng lên 30.650 đồng. Đây cũng chính là cú "đánh bồi", tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Nhiều shipper tìm công việc mới khi giá xăng tăng cao
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, giá xăng liên tục lập đỉnh trong thời gian qua đã khiến nhiều người làm nghề xe ôm công nghệ, shipper ở TP.HCM lắc đầu ngao ngán, không ít người đã tính đến chuyện bỏ việc và tìm nghề khác để có nguồn thu nhập ổn định.
Ngồi chờ đơn hàng ở công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM), anh Trần Minh, tài xế Grab cho biết, anh chạy xe ôm công nghệ được hơn 5 năm nay nhưng giờ đành phải chuyển sang nghề khác vì giá xăng tăng cao khiến thu nhập giảm sút.
“Tôi mới chở khách từ đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) đến Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) với quãng đường là hơn 5km cho cả đi và về, sau khi trừ tiền chiết khấu, tôi chỉ nhận vỏn vẹn khoảng 15.000 đồng, đó là chưa kể tiền xăng. Với thu nhập giảm như hiện nay thì mỗi tháng tôi chỉ đủ trả tiền phòng và tiền ăn uống chứ dư thì chẳng được bao nhiêu. Sắp tới, tôi dự định sẽ bỏ hẳn nghề này để chuyển sang bán hàng online cùng với người quen”, anh Minh nói.
Giá xăng dầu tăng kỷ lục, không ít tài xế xe công nghệ đã tính đến chuyện bỏ việc và tìm nghề khác để có nguồn thu nhập ổn định.
Cùng cảnh ngộ với anh Minh, anh Nam (tài xế Gojek) buồn rầu nói: “Bình thường tôi chạy mỗi ngày khoảng 20-25 đơn, trừ hết chi phí khác thì số tiền tôi nhận được khoảng 400.000-450.000 đồng, nhưng hiện tại, giá xăng đã vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Thu nhập trung bình của tôi giảm hẳn một nửa. Để có nguồn thu nhập như trước, tôi buộc phải đẩy thời gian làm việc lên 15 tiếng, thay vì 12 tiếng như trước đây”.
Cũng theo anh Nam, để tiết kiệm tiền xăng trong thời điểm này nhiều tài xế xe công nghệ hiện nay hạn chế chạy lòng vòng để kiếm đơn hàng hoặc tắt tính năng tự động nhận cuốc xe trên ứng dụng để tránh những cuốc xa chở khách.
“Việc giá xăng tăng vượt 30.000/lít như hiện nay trong khi mức chiết khấu từ hãng lại không thay đổi nên thu nhập thực tế của tôi đã giảm nhiều. Thời gian tới, nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng thì càng khó khăn cho cánh anh em tài xế chúng tôi, tôi buộc phải chuyển sang công việc khác để có nguồn thu nhập ổn định”, anh Nam cho hay.
Giá hàng hóa "nhảy múa" theo giá xăng
Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các chợ truyền thống như chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Bình Thới (quận 11),…cho thấy nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng đột biến.
Tiểu thương Đỗ Nguyệt (chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10) khẳng định, giá xăng dầu cao kéo theo chi phí vận chuyển hàng hóa tăng, giá bán lập tức có sự điều chỉnh theo. Theo chị Nguyệt, tăng nhiều nhất là những loại rau củ Đà Lạt như cà rốt, khoai tây, xà lách,…những mặt hàng càng đi xa thì giá càng lên.
“Đơn cử như cà rốt, khoai tây Đà Lạt đã tăng 5.000 đồng/kg và được bán với giá 30.000 đồng/kg”, chị Nguyệt cho hay.
Chị Đức Huê, tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương cũng cho biết, sản phẩm tăng giá cao nhất trong thời gian qua là dầu ăn và trứng gia cầm.
Theo chị Huê, nếu như trước đây khi khi giá xăng dầu chưa có sự điều chỉnh theo hướng tăng lên, một chai dầu ăn loại 1 lít chỉ có giá là 45.000 đồng thì hiện nay đã bán với giá 67.000 đồng/lít. Trứng gà loại vừa chỉ 28.000 đồng/chục, thì hiện chị đã bán với 35.000 đồng/chục; trứng vịt 38.000 đồng/chục.
“Trước đây khi chưa có dịch COVID-19 bùng phát, cứ mỗi tuần là tôi sẽ nhập thêm các mặt hàng như dầu ăn, gia vị, mì gói,…là mỗi loại một thùng thì bây giờ 2, 3 tuần mới dám nhập thêm vì lượng khách giảm một nửa so với trước. Giá hàng hóa tăng, tiểu thương tôi chấp nhận giảm bớt tiền lời, lâu lâu còn khuyến mãi để giữ chân khách hàng”, chị Huê nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP.HCM nhận định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Dũng cho rằng, công cụ để kiểm soát giá xăng, dầu mà nhà nước có thể tính đến là giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số thuế, phí khác ở mức hợp lý.
Theo Vũ Huyền Trang
Tiền Phong