Sửa đổi Luật Đấu thầu: Không để doanh nghiệp “gọt chân” cho vừa cơ chế

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 08:59:14

Cùng với thời gian, nhiều yếu tố mới phát sinh trong nền kinh tế, việc đánh giá lại Luật Đấu thầu 2013 và nghiên cứu, sửa đổi, ban hành luật mới là cần thiết.

Những lùm xùm trong suốt thời gian qua đã đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, không đáp ứng sự phát triển thực tiễn của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Có thể thấy rằng, tính ổn định của pháp luật nhằm giúp các chủ thể, người xây dựng luật, nhà quản lý, công chúng nắm vững hành vi nào được phép, hành vi bị cấm trong quá trình thực hiện, đây là tính cần thiết và là một trong những thuộc tính quan trọng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc pháp luật là nhất thành bất biến, không có sự thay đổi.

Trong thời gian vừa qua, chậm sửa đổi có nhiều lý do, một trong số đó có thể thấy Luật Đấu thầu đang được coi như chỉ mang tính hình thức, vì thế việc quản lý, đưa các quy định vào thực tiễn đời sống không được các cơ quan quản lý quan tâm.

Từ đây, tạo cơ hội cho hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” làm méo mó công tác đấu thầu, thiếu tính cạnh tranh. Làm xuất hiện câu chuyện vây thầu, ép thầu, các cuộc đấu thầu trở thành mánh lới, từ đó chèn ép doanh nghiệp, lấy tiền Nhà nước.

Chính việc không quan tâm, coi luật chỉ là hình thức tạo cơ hội cho một số chủ thể lợi dụng để làm vỏ che trong một số việc đục khoét tài sản công, cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường. Chậm thay đổi cũng khiến cho Luật Đấu thầu quay trở lại cản trở việc thực hiện các luật khác có liên quan.


Nhiều dự án phải đấu thầu là không cần thiết

Thời điểm này, sửa đổi, bổ sung bộ luật này cần phải được quan tâm, đặc biệt khi chúng ta phát hiện những lỗ hổng thì việc điều chỉnh là vô cùng cần thiết. Theo tôi, có một số vấn đề cần phải được ưu tiên bàn luận trong thời gian tới.


Trước hết, trong hoạt động đấu thầu, điểm mấu chốt cần kiểm soát là giá gói thầu, đây cũng là nội dung thiết yếu trong quá trình đấu thầu được Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật khác có liên quan quy định khá cụ thể và chặt chẽ.

Xác định giá gói thầu đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo phải đúng, đầy đủ, chính xác, vì tính quan trọng và ý nghĩa của giá gói thầu. Trong đó, cần thiết xác định mức “giá sàn” với sự theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo các chủ thể không sử dụng một mức giá thấp hơn dự toán nhằm thắng thầu. Điều này dễ dẫn đến những hệ lụy sau này như đội vốn gói thầu và nhiều vấn đề phức tạp phát sinh khác.

Thời gian gần đây, nhiều hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đấu thầu như ở khu đất Thủ Thiêm,.. cũng có nhiều ý kiến đặt vấn đề cần đặt thêm “giá trần” trong việc xác định giá gói thầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này là không cần thiết. Bởi chỉ cần giá sàn để đảm bảo khách quan trong việc xác định giá thầu, còn khi giá thầu được đẩy cao thì đó cũng là quy luật của thị trường, việc can thiệp quá sâu sẽ không tốt cho sự vận hành của thị trường.

Điểm thứ hai liên quan đến việc chỉ định thầu, trong điều kiện của Việt Nam rất nhiều dự án thực hiện đấu thầu là không cần thiết. Thậm chí, nó trở thành hình thức, gây tốn kém và không mang lại hiệu quả. Ngay một số dự án lớn như đường Vành đai 3 nếu cứ đợi đấu thầu khiến mất thời gian. Nhưng khi chỉ định dự án được thực hiện tương đối tốt và tương đối nhanh.

Nhiều dự án tổ chức đấu thầu sẽ gây lãng phí, mất thời gian (Ảnh: Hữu Thắng).

Tuy nhiên vấn đề quan trọng, việc chỉ định thầu cần phải có những điều kiện đầy đủ, chặt chẽ, để từ đó chúng trở thành tính khuôn khổ, pháp lý. Tạo tiêu chuẩn cho những dự án sau lấy làm cơ sở thực hiện. Nếu cơ quan quản lý có điều tra thì cũng có căn cứ để giải trình.

Thực tế hiện nay, chúng ta chỉ định thầu vì không có người đấu thầu hoặc là do tính cấp thiết của thời gian nên phải chỉ định, thậm chí là do cơ quan cấp trên chỉ định xuống như vậy không có tiêu chuẩn, không có điều kiện cụ thể.

Thậm chí, nếu chỉ định không có văn bản, khi quay lại kiểm tra, giám sát sẽ trở thành vấn đề lớn. Việc có những quy định, chỉ tiêu cần được chú trọng, sau này khi chúng ta phát triển các vấn đề hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn cần tính công khai, minh bạch, rõ ràng.


Năng lực mỏng không thể trúng thầu những dự án lớn

Nói về Luật Đấu thầu cần thay đổi còn liên quan đến việc người tham gia đấu thầu. Chủ thể tham gia đấu thầu phải có những điều kiện tối thiểu, phải có nguyên tắc theo từng ngành, từng lĩnh vực. Tất nhiên, không thể cụ thể hoá luật nhưng nên có những quy định tính chất định hướng, có nghị định, văn bản dưới luật hướng dẫn việc loại hình doanh nghiệp được tham gia đấu thầu, năng lực của doanh nghiệp, kinh nghiệm đấu thầu,...

Nếu chúng ta vẫn để cho địa phương, ngành tự đặt ra tiêu chuẩn như thời gian vừa qua sẽ rất bất cập. Nhiều dự án nay tiêu chuẩn thế này mai tiêu chuẩn thế khác, thậm chí “gọt chân cho vừa đôi giày” để cố đưa doanh nghiệp sân sau thắng thầu là rất nguy hiểm.


Cùng với đó, thời gian đấu thầu, công bố kết quả, và thực hiện nghĩa vụ trúng thầu cũng phải được xem lại sao cho vừa thông thoáng, nhưng vừa phù hợp. Điều này khó nhưng phải tính toán để làm.

Như trong đấu thầu đất đai, sau thời gian xác định kết quả 7-10 ngày, trong 30-90 kể từ ngày cơ quan thuế ký thông báo, người trúng đấu giá phải nộp tiền sử dụng đất. Nhưng nhiều nhà thầu lợi dụng khoảng thời gian đó để lách luật.

Nhiều công trình chậm tiến độ vì vướng mắc trong đấu thầu (Ảnh: Hữu Thắng).

Liên quan đến năng lực tài chính của các nhà thầu, một công ty con với vốn một vài ngàn tỷ nhưng trúng thầu dự án hàng chục nghìn tỷ, điều này là không ổn.

Cần phải minh bạch giữa tập đoàn và công ty con trực thuộc. Doanh nghiệp con có năng lực tài chính mỏng cũng sẽ phản ảnh tầm nhìn có giới hạn không đủ năng lực gánh vác một dự án khổng lồ, từ đó sẽ không có suy nghĩ, cách thức tổ chức phù hợp. Ngay cả khi có tập đoàn đứng sau hỗ trợ chúng ta vẫn cần xem xét kỹ trong quá trình lựa chọn.

Việc thiếu minh bạch, môi trường thiếu tính công khai suốt thời gian qua đã làm cho nhiều nhà thầu có thực lực trong nước cũng như nước ngoài đã lập tức không tham gia nhiều công trình, dự án lớn của Việt Nam, gây ra tổn thất lớn.


Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mới chịu sự bất bình đẳng mà ngay cả doanh nghiệp nước ngoài nó cũng ảnh hưởng mặc dù có năng lực, có công nghệ, kỹ thuật để thực thi dự án. Doanh nghiệp nước ngoài mặc dù có được ưu tiên nhưng không thể hiểu “cuộc chơi” như doanh nghiệp trong nước. Nhiều dự án giao thông trọng điểm, họ chỉ đến mua hồ sơ xong bỏ, không tham gia đấu thầu. Điều này thể hiện rõ ràng chúng ta đang có nhiều vấn đề không chỉ đối với Luật đấu thầu mà quá trình thực thi luật.


Trong thời gian tới, tôi hy vọng việc sửa đổi sẽ giúp Luật Đấu thầu vừa đảm bảo nguyên tắc cơ bản cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và thông lệ quốc tế nói chung. Quan trọng hơn giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đấu thầu một cách đầy đủ, ổn định, tạo điều kiện cho những nhà thầu nội địa. Từ đó hỗ trợ điều kiện cho các doanh nghiệp lớn lên, có thể thực hiện các dự án lớn cho đất nước .

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính

Chia sẻ Facebook