Sau tuyên bố của ông Medvedev, CIA lo sợ Nga xài vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Chia sẻ Facebook
15/04/2022 14:17:53

Ngày 14-4, giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cảnh báo những thất bại của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin cho sử dụng đến vũ khí hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. Đây là một trong những nơi đầu tiên lực lượng Nga nỗ lực giành quyền kiểm soát sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24-2 - Ảnh: REUTERS

"Căn cứ vào khả năng Tổng thống Putin và giới lãnh đạo Nga tuyệt vọng cùng với những thất bại mà họ đã đối mặt cho đến nay, về mặt quân sự, không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa gây ra bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp" - giám đốc CIA William Burns đưa ra nhận định trước các sinh viên tại Học viện Công nghệ Georgia ở TP Atlanta (Mỹ) ngày 14-4.

Theo Hãng tin AFP, trước đó, Điện Kremlin cho biết họ đã đặt lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao ngay sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24-2.

Tuy nhiên, ông Burns nói rằng đến nay Mỹ chưa thấy "nhiều bằng chứng thực tế" về việc triển khai vũ khí hạt nhân gây lo ngại.


"Rõ ràng chúng ta rất lo ngại. Tôi biết Tổng thống Biden quan tâm sâu sắc đến việc tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba và tránh đi tới ngưỡng có thể xảy ra xung đột hạt nhân" - ông Burns nói.


Hiện nay Nga sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật, vốn có sức công phá kém hơn bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống TP Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến 2.


Theo Hãng tin AFP, học thuyết quân sự của Nga có một nguyên tắc gọi là "leo thang để giảm leo thang", theo đó sẽ dùng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp để tấn công đầu tiên nhằm giành lại thế chủ động nếu mọi thứ trở nên tồi tệ trong một cuộc xung đột thông thường với phương Tây.


Trong diễn biến khác, hôm 14-4, cựu tổng thống và là cựu thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo NATO rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này, Nga sẽ phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình trong khu vực, trong đó có việc triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm.

Gói viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 13-4 được kỳ vọng mở đường cho các loại vũ khí tấn công của phương Tây vào Ukraine sau nhiều tuần tranh luận nên chuyển gì cho Kiev.

Chia sẻ Facebook