Nhịp đập Thị trường 05/07: Rớt mạnh cuối phiên
VN-Index rớt mạnh trong 30 phút cuối để đóng cửa tại mức thấp nhất 1,181.29 điểm, giảm 14.24 điểm (1.19%), HNX-Index giảm 3.25 điểm (1.16%) còn 277.94 điểm. UPCoM giảm 0.71 điểm (0.81%) còn 87.19 điểm. Số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá trên 2 sàn là 174 (8 cổ phiếu trần)/ 506 (41 cổ phiếu sàn).
Nhịp đập Thị trường 05/07: Rớt mạnh cuối phiên
Điều an ủi là giá trị khớp lệnh cả 3 sàn đã tăng lên, riêng sàn HOSE giá trị giao dịch là 13,806 tỷ tăng 37% so với mức 10,086 tỷ hôm qua. Hôm nay khối ngoại bán ròng hơn 292 tỷ đồng trên sàn HOSE , tập trung ở VHM , MWG , BID , DCM , VCB , SSI .
Ngành ngân hàng vẫn là trụ đỡ thị trường. Kết phiên là nhóm ngành tăng cao nhất với 1.38% với 15 cổ phiếu tăng giá/3 cổ phiếu giảm giá.
Chú ý ngành thủy hải sản rớt sâu tới 6.37% với VHC , IDI , ANV , ACL giảm sàn, ABT , FMC rớt trên 6%. Một ngày giao dịch khá thất vọng với các nhà đầu tư.
Sôi động về thanh khoản.
VN-Index đang giảm 6 điểm. Tới 14h, tổng số tiền rót vào VN-Index đã là 10,000 tỷ, một con số cao so với những ngày gần đây. Dòng tiền đang dồn về ngân hàng. Trừ EVF (-1.39%), NVB (-1.94%), SSB (-0.16%), OCB đứng giá. Tất cả dòng ngân hàng trên hai sàn đều tăng giá tăng mạnh có thể kể đến BAB (4.19%), BID ( 4.42%), STB (4.03%), TCB (4.4%). Trong đó đã có lúc BID khớp với giá trần.
Ngược lại với ngân hàng , cổ phiếu hai ngành chứng khoán và bất động sản giảm khá. Bất động sản giảm 0.8% với sự giảm giá chủ yếu của AGG (-1.06%), CEO (-3.97%), DIG (-3.14%), DRH (-4.19%), DXS (-2.91%), HDC (-2.86%), HDG (-1.96%), NLG (-1.41%). Ngành chứng khoán xuống nhẹ 0.48% với 7 cổ phiếu tăng giá/16 cổ phiếu giảm giá.
Phiên sáng: Ngân hàng đỡ chỉ số
VN-Index đã có lúc giảm 10 điểm. Tuy nhiên từ 11h lực bán giá thấp giảm đi giúp chỉ số sàn HOSE tạo thành 10 cây nến đỏ và 20 cây nến xanh trong 30 phút cuối (với đồ thị VN-Index 1 phút), đặc biệt 9 cây nến xanh liên tục 9 phút cuối phiên sáng giúp VN-Index thu hẹp đà giảm. Kết phiên sáng VN-Index giảm 4.5 điểm (0.38%) còn 1,191.03 điểm.
Ngành ngân hàng đang tăng 1.42% là trụ đỡ chính đỡ các chỉ số và giúp VN30 tăng 0.6 điểm. VN30 có 12 cổ phiếu tăng giá thì có tới 9 cổ phiếu ngân hàng tăng. Nhóm cổ phiếu vua của thị trường chứng khoán đã trở lại và bộc lộ rõ vai trò “gánh team” trong những phiên giao dịch gần đây. Nếu ngành ngân hàng không khởi sắc, mức cản 1,156 điểm có thể đã bị xuyên qua từ lâu.
Trong VN 30, chú ý có PNJ (-4.5%), GAS (-3.7%), MWG (-2.9%) và MSN (-2.5%). Trong 4 cổ phiếu này có tới 3 cổ phiếu có thể xem như là “lão đại” trong ngành bán lẻ. Ngoài ra “tiểu đệ” FRT còn giảm sâu hơn với mức giảm 4.7%.
Một ngày của ngân hàng, tất cả cho ngân hàng khi 10 cổ phiếu có tác động lớn nhất tới VN-Index thì cả 10 cổ phiếu đều là các ngân hàng. Phần giảm giá GAS , MSN , MWG làm VN-Index giảm tổng cộng 3.5 điểm.
Một điều đáng chú ý VN30F2007 đang giao dịch tại mức 1,244.5 điểm chỉ chiết khấu 2.5 điểm so với VN30 . Một tỷ lệ chiết khấu thấp nhất gần nửa tháng nay khi mức chiết khấu thường xuyên từ 8-15 điểm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang cho rằng khả năng tăng giá của VN30 cao lên dần.
Những nhà đầu tư phái sinh ngắn hạn đang chờ đợi một số thông tin có thể kích thích VN30 tăng giá, đó là ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN30 được dự đoán có kết quả kinh doanh tích cực. Đồng thời với việc thu ngân sách 6 tháng đầu năm khá dư dả, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021 rất có thể việc miễn , giảm thuế xăng dầu sẽ được chính phủ sớm chấp nhận. Điều này có một ý nghĩa quan trọng trong việc Chính phủ Việt Nam còn nhiều dư địa và công cụ trong việc phòng chống lạm phát.
10h30: Dao động biên độ hẹp
VN-Index giảm hơn 4 điểm với 4,500 tỷ trao tay. Một số cổ phiếu bán lẻ có mức độ sụt giảm giá tương đối lớn, FRT giảm 3.5%, MWG giảm 1.8%, MSN giảm 1.1%. Khi lạm phát tăng cao có thể các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với bài toán biên lợi nhuận sụt giảm. Điều này đặc biệt nguy hiểm với các doanh nghiệp bán lẻ vì lợi nhuận biên mảng bán lẻ thường mỏng, thấp hơn doanh nghiệp sản xuất khá nhiều.
Chú ý trong ngành chăn nuôi có DBC đang tăng 6.5% sau khi đã tăng trần hai ngày trước đó. Ngành thép cũng đang tăng nhẹ với HSG tăng 4.44%, NKG tăng 2.41%, tuy nhiên anh cả HPG chỉ đứng tham chiếu.
HPG có thể là một ca khó với các nhà đầu tư ngắn hạn, cổ phiếu này vừa giảm giá theo thị trường, vừa trong một ngành có dấu hiệu đạt đỉnh, lại vừa chịu sức ỳ của số lượng cổ phiếu lưu hành quá lớn trong một thị trường nguồn tiền đang có dấu hiệu bị rút ra. Tuy nhiên hàng loạt các dự án khủng HPG đang triển khai có thể làm yên tâm và đáng để chờ đợi. Người lớn trước sau gì cũng thành người lớn.
Nhích nhẹ đầu phiên
Thị trường mở cửa tăng nhẹ sáng nay khi tâm lý nhà đầu tư vẫn hết sức thận trọng .
Hôm qua thị trường chứng khoán Mỹ nghỉ lễ. Sáng nay (9h20), thị trường chứng khoán châu Á đa phần đều hiện sắc xanh tương đối với KOSPI tăng 1.83%, Taiwan Weighted tăng 0.91%, Nikkei 225 tăng 0.93%, Taiwan Weighted tăng 0.86%, IDX Composite tăng 0.55%. Thị trường chứng khoán Trung quốc tăng nhẹ với Shanghai tăng 0.23%, SZSE Component giảm 0.26%, China A50 tăng 0.02%, DJ Shanghai tăng 0.2%, Hang Seng giảm 1.06%,… S&P/ASX200 tăng 0.32%. Các hợp đồng tương lai Mỹ tháng 9 cũng đang xanh nhẹ trên 0.5%. Dow Jones tăng 0.42%, S@P 500 tăng 0.53%, Nasdaq 100 tăng 0.7%.
Kết phiên ATO phái sinh, VN30F2207 tăng mạnh lên 1248.6, tăng 6.6 điểm.
Đến 9h30, VN-Index tăng nhẹ lên 1,197.29 điểm, tăng 1.76 điểm (0.15%). Chỉ số VN30 tăng 1.43 điểm (0.11%) dừng ở mức 1,249.8 điểm, trong rổ có 20 cổ phiếu tăng giá, 10 cổ phiếu giảm giá, trong đó BID (+1.4%), CTG (+1.2%) là hai cổ phiếu dẫn đầu tỷ lệ tăng. HNX-Index giảm 1.18 điểm (0,42%) dừng ở 280.01 điểm. Sàn UPCoM tạm dừng ở 87.78 điểm giảm 0.12 điểm (-0.14%).
Trên cả hai sàn HOSE và HNX số cổ phiếu tăng giá thấp hơn số cổ phiếu giảm giá: 185 cổ phiếu tăng giá (7 cổ phiếu tăng trần) và 233 cổ phiếu giảm giá (3 cổ phiếu sàn).
Ngành nông lâm ngư đang dẫn đầu trong các ngành tăng giá với tỷ lệ 2.56%. Đóng góp chủ yếu bởi BAF tăng 2.62%, HAG tăng 2.84%, HNG tăng 2.04%, VIF tăng 7.19%. Ngành ngân hàng xếp số 2 với tỷ lệ tăng 0.78%, đáng chú ý có BID tăng 1.57%, TCB tăng 1.24%, VCB tăng 0.94%, VIB tăng 3.7%. Ngành ngân hàng đang hoạt động rất hiệu quả và là trụ chính đang hỗ trợ thị trường.
Phía giảm giá chủ yếu có chế biến thủy hải sản giảm 2.65%. Ngành thủy hải sản đang trong xu hướng giảm giá trước rủi ro doanh số các quý cuối năm tăng chậm lại do tình hình lạm phát tăng quá cao tại Mỹ và Châu Âu, cũng như việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước này.
Kiên Cường