Masayoshi Son đang âm thầm gom cổ phiếu Softbank, muốn sở hữu toàn bộ tập đoàn này?

Chia sẻ Facebook
09/12/2022 23:01:23

Masayoshi Son đang tiến gần hơn tới thời điểm có thể tư nhân hóa SoftBank - một ý tưởng được ông nhiều lần đề cập nội bộ.

Masayoshi Son đang âm thầm thâu tóm SoftBank trong thời kỳ hỗn loạn, qua đó tiến gần hơn tới cột mốc có thể mua lại toàn bộ tập đoàn đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, theo Bloomberg.

Vị tỷ phú này hiện sở hữu hơn 30% cổ phần SoftBank, trong bối cảnh các đợt mua lại tích cực trong 2 tháng qua làm giảm gần 90 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Cổ phần của Son đã tăng lên 34,2% từ mức 32,2% vào cuối tháng 9, theo tính toán của Bloomberg. Trước đó, hồi tháng 3/2019, tỷ lệ sở hữu của Masayoshi Son là 26,7%.

Theo luật pháp Nhật Bản, quyền lực của Son tại SoftBank sẽ tăng lên nếu ông sở hữu ⅓ số cổ phần. Người đàn ông 65 tuổi này hiện đã nắm quyền kiểm soát nhiều hơn đối với việc mua bán tài sản, sáp nhập, thậm chí có thể phủ quyết ý kiến mà các nhà đầu tư đưa ra trước các cổ đông.

“Không có lý do hợp lý nào để SoftBank niêm yết. Công ty có thể huy động tiền mà không cần thông qua sàn chứng khoán. Nó không phù hợp với mô hình kinh doanh hiện tại”, nhà phân tích cấp cao Satoru Kikuchi của SMBC Nikko Securities cho biết.

Ý tưởng mua lại đã được nội bộ SoftBank tranh luận gay gắt trong nhiều năm. Những người ủng hộ lập luận rằng việc chuyển sang chế độ tư nhân hóa sẽ giải phóng SoftBank khỏi sự giám sát của cơ quan quản lý cũng như các cổ đông. Trong khi đó, ý kiến phản đối lại cho rằng việc mua lại sẽ khiến SoftBank thiếu tiền mặt trầm trọng và không thể thực hiện đầy đủ các thương vụ đầu tư.

Ý tưởng mua lại đã được nội bộ SoftBank tranh luận gay gắt trong nhiều năm.

Với vốn hóa thị trường hiện tại, MBO ⅔ SoftBank rơi vào khoảng 50 tỷ USD. MBO được hiểu nôm na là hình thức thâu tóm ngược khi người bên trong doanh nghiệp thực hiện mua cổ phần sở hữu của nhà đầu tư bên ngoài và sau khi đạt tỷ lệ cổ phiếu nhất định sẽ chuyển đổi công ty thành công ty phi đại chúng để nắm quyền điều hành và kiểm soát.

“Ông ấy sẽ không còn tiền mặt để tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư mà mình muốn”, Kirk Boodry, chuyên gia phân tích tại Redex Research, nhận định.

Bên cạnh đó, việc tư nhân hóa cũng có thể gây nguy hiểm cho nghĩa vụ trả nợ của cá nhân Son. Khoảng 1/3 cổ phần SoftBank của Son được giữ làm tài sản thế chấp, trong khi Son nợ SoftBank 4,7 tỷ USD tính cuối tháng 9.

“MBO là một sự kiện rất lớn”, Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners cho biết.

Tại một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, Giám đốc tài chính Yoshimitsu Goto đã bác bỏ suy đoán của thị trường, rằng đợt mua lại cổ phần gần đây của SoftBank là để chuẩn bị cho một MBO.

Theo Bloomberg, tài sản của Son gắn liền với giá cổ phiếu SoftBank theo những cách phức tạp. Nếu cổ phiếu SoftBank sụt giảm một lần nữa, Son có thể trợ giá thông qua việc mua lại. Điều này sẽ ngăn các ngân hàng yêu cầu thêm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Son.

“Việc mua lại khiến SoftBank bị chỉ trích vì lợi ích cá nhân của Son và tập đoàn bị xáo trộn”, Koji Hirai, Chủ tịch công ty tư vấn sáp nhập và mua lại Kachitas Corp, cho biết.

“Son là một cổ đông lớn. Điều này thể hiện sự tin tưởng của ông ấy đối với tương lai phát triển của SoftBank,”, đại diện phát ngôn cho biết, đồng thời khẳng định SoftBank sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt” các yêu cầu pháp lý và có các biện pháp kiểm tra hành chính liên quan đến quản trị và xung đột.

Hiện SoftBank đang tìm kiếm mức định giá lên tới 60 tỷ USD cho Arm trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO sắp tới. Con số này gần gấp đôi khoản tiền SoftBank đã bỏ ra để mua Arm hồi năm 2016. Nếu thành hiện thực, con đường tư nhân hóa được mở ra.

Theo các chuyên gia, dòng tiền của SoftBank sẽ quyết định xem liệu Son có nhận được các khoản vay ưu đãi để thực hiện MBO hay không. Các giao dịch bán tài sản có thể nhanh chóng củng cố vị thế tiền mặt cho SoftBank, bao gồm cổ phần tại Alibaba, SenseTime Group và DoorDash.

“Chuyển sang chế độ tư nhân hóa không thể diễn ra một sớm một chiều, song nếu bạn đang nói về năm sau hoặc năm sau nữa, điều đó là có thể”, nhà phân tích cấp cao Satoru Kikuchi nói.

Trước đó, tờ Financial Times cho biết, Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm CEO SoftBank, đang nợ công ty gần 5 tỷ USD vì thua lỗ gia tăng từ những khoản đầu tư công nghệ. Số nợ này khiến giá trị cổ phần của ông Son trong quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund 2 gần như không còn giá trị.

Cụ thể, giá trị 17,25% cổ phần của ông Son trong Vision Fund 2 - quỹ có quy mô 56 tỷ USD - đến cuối tháng 9 vừa qua gần như bị cuốn bay hoàn toàn. Trong quý vừa rồi, định giá số cổ phần này chỉ còn 682 triệu USD.

Điều này trái ngược hoàn toàn với hồi cuối năm 2021, khi cổ phần của ông Son trong quỹ Vision Fund 2 lên tới 2,8 tỷ USD. Đây là thời điểm bùng nổ của nhiều startup, qua đó cho phép SoftBank bán ra cổ phiếu của một số công ty nổi bật trong danh mục đầu tư, chẳng hạn như WeWork và AutoStore.

Việc Son nợ Softbank hàng tỷ USD diễn ra trong bối cảnh công ty đang đẩy mạnh tốc độ mua lại cổ phiếu trong những tuần gần đây. Động thái này đã đẩy giá cổ phiếu SoftBank lên mức cao nhất 12 tháng trong tháng này, bất chấp tình trạng thua lỗ tại các quỹ Vision Fund.

Trước đó, Softbank báo lỗ 35 tỷ USD trong nửa đầu năm. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm công ty này chứng kiến 2 quý liên tiếp thua lỗ. Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ gặp khó.


Theo: Bloomberg, FT


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook