Lệnh cấm của châu Âu đối với dầu Nga có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường dầu mỏ và khí đốt?
Thị trường năng lượng sẽ còn biến động nhiều hơn nữa, nhất là giá xăng dầu, sau khi Liên minh Châu Âu cấm vận dầu của Nga.
Giá dầu thô tăng trong phiên 4/5 sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga như một phần của vòng trừng phạt mới nhằm vào nước này sau khi xảy ra xung đột với Ukraine. Các chi tiết của kế hoạch vẫn đang được thảo luận và đề xuất cần được 27 thành viên trong khối nhất trí trước khi có hiệu lực.
Giá dầu đã tăng vọt khoảng 5%, hiện đang giao dịch ở mức khoảng 110 USD/thùng trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung dầu mỏ sẽ bị thắt chặt hơn nữa khi các nước EU phải tìm kiếm nguồn cung thích hợp thay thế cho dầu thô.
Giá dầu đã tăng đều đặn trong 2 tháng qua sau khi Nga thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine. Cho đến nay, EU vẫn miễn cưỡng với việc cắt hoàn toàn nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, và các kế hoạch của khối này vẫn không đề xuất một lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả các thành viên EU.
Châu Âu nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu của Nga mỗi ngày, và cũng phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Moscow.
Kế hoạch cấm vận mới nhất của EU như thế nào?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm thứ Tư (4/5) đã đề xuất một lệnh cấm vận dầu mỏ theo từng giai đoạn đối với Nga, cũng như trừng phạt ngân hàng hàng đầu của Nga.
Các biện pháp của Ủy ban bao gồm loại bỏ dần nguồn cung cấp dầu thô của Nga trong vòng sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, Hungary và Slovakia sẽ có thể tiếp tục mua dầu thô của Nga cho đến cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện có.
Bà Ursula von der Leyen cũng cam kết sẽ giảm thiểu tác động của động thái này đối với các nền kinh tế châu Âu.
Nga có thể bù đắp sự mất mát của một trong những khách hàng chính của mình bằng cách bán dầu cho các nhà nhập khẩu khác bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc. Hai thị trường này chưa hề ngừng mua hàng từ Moscow.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC ) dự kiến sẽ không đáp ứng nhu cầu gia tăng nguồn cung, mà dự kiến sẽ bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng hàng tháng.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao thuộc Price Futures Group, cho biết: "Lượng dự trữ quá khan hiếm, vì vậy khi bạn đang nói về lệnh cấm này, có rất nhiều câu hỏi về việc (Châu Âu) sẽ bù đắp ‘lỗ hổng’ dầu Nga như thế nào?"
Và không chỉ với thị trường EU, đề xuất cấm nhập dầu Nga của EU có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường dầu toàn cầu cũng như với giá xăng ở Mỹ?
Sẽ có bao nhiêu tác động đến thị trường dầu mỏ?
Giá dầu thô có thể sẽ còn tăng hơn nữa sau khi đã tăng suốt mấy tháng qua, kể từ khi Nga thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.
Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu dầu của Nga. Khu vực này hấp thụ khoảng 1/4 lượng dầu từ Nga - cho đến nay là nguồn cung cấp nhập khẩu dầu lớn nhất vào khu vực.
Mặc dù Nga có thể tìm được những khách hàng khác để bán đầu thô, như Ấn Độ, nhưng không chắc rằng Nga sẽ có thể bán hết toàn bộ số dầu thông thường bán cho Châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt nặng nề đã khiến một số người mua truyền thống miễn cưỡng giao dịch với Nga. Và như một phần trong đề xuất mới nhất của mình, EU cũng đang tìm cách cấm các tàu châu Âu vận chuyển dầu của Nga.
Tóm lại, dự kiến lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU sẽ khiến Nga tổn thất khoảng 2 triệu thùng dầu thô/ngày.
Trên thực tế, Mỹ đã thúc giục châu Âu thận trọng khi khu vực này đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga – quốc gia có thể bù đắp cho việc mất doanh thu từ việc bán dầu cho EU nhờ giá dầu thô tăng cao.
Tuy nhiên, ngoài Nga còn có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giá dầu.
Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc để đối phó với sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19 được cho là sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô toàn cầu, mặc dù khó có thể nói các biện pháp này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Lệnh cấm của EU có ý nghĩa gì đối với giá xăng?
Công dân châu Âu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng ngay cả ở Mỹ cũng khó để có thể thấy giá xăng giảm.
Xét cho cùng, những gì người tiêu dùng phải trả tại cây xăng chính là sự ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi giá dầu thô toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ, khi giá dầu tăng vọt sau kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng lên trên 4 USD/gallon và tiếp tục duy trì cao kể từ đó.
Nước Mỹ cũng sắp bước vào mùa hè, mùa mà theo truyền thống sẽ có nhiều người tham gia giao thông hơn.
Tuy nhiên, một động thái đã làm giảm giá khí đốt. Đó là việc chính quyền của ông Biden giải phóng dầu khẩn cấp từ kho dự trữ dầu chiến lược. Mỹ đang giải phóng khoảng một triệu thùng dầu dự trữ mỗi ngày và sẽ khai thác tới 180 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược của mình.
Al Salazar, phó chủ tịch cấp cao của Enverus Intelligence, cho biết nếu không có số dầu giải phóng khẩn cấp đó, giá xăng thậm chí sẽ còn tăng cao hơn hiện tại.
Ông Salazar nói: "Về cơ bản, mọi rủi ro về giá dầu cao một cách vô lý trong mùa hè đã được giảm bớt".
Nhưng rõ ràng vẫn tồn tại những dấu hỏi lớn về việc điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ đạt giới hạn giải phóng 180 triệu thùng dầu dự trữ theo kế hoạch. Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường dầu thô lúc này.
Các nhà sản xuất dầu khác có thể tăng sản lượng không?
Vấn đề này rất phức tạp.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ (gọi là OPEC ) đang ở vị thế tốt nhất để bù đắp cho nguồn cung bị mất, nhưng điều đó khó xảy ra, vì một số lý do sau đây.
Trước hết, Nga là thành viên của OPEC . Bất kỳ động thái nào chống lại Nga đều có nguy cơ gây nguy hiểm cho liên minh lâu nay vốn rất quan trọng trong việc ổn định giá dầu toàn cầu.
Mối lo ngại lớn hơn là một số thành viên của OPEC đang phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch hiện tại do xung đột chính trị và tình trạng thiếu đầu tư.
Các nước OPEC đã dần dần tăng sản lượng thêm khoảng 430.000 thùng mỗi ngày kể từ mùa hè năm ngoái, trong một nỗ lực tiến dần trở lại mức sản lượng trước đại dịch.
OPEC sẽ nhóm họp lại vào thứ Năm (5/5) và phần lớn các nhà phân tích và thương gia trên thị trường dự kiến nhóm này sẽ duy trì các kế hoạch hiện tại là chỉ tăng dần sản lượng.
Còn các nhà sản xuất Mỹ thì sao?
Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhưng hầu hết lượng dầu đó được tiêu thụ trong nước.
Việc khoan thêm dầu không phải là điều dễ dàng. Ngay cả những nhà sản xuất nhanh nhất cũng phải mất hàng tháng để xây dựng một giếng dầu mới. Và những thách thức về lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng đang kéo dài thời gian đó.
Các công ty dầu mỏ vẫn đang tiến hành tăng sản lượng một cách thận trọng. Các công ty này thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư của họ, và những nhà đầu tư đó không muốn đầu tư quá nhiều vào việc khoan nhiều dầu.
Họ đã mất hàng tấn tiền trong vụ giá dầu rớt thảm lúc đầu đại dịch, và những lo ngại ngày càng tăng về tác động môi trường khiến họ do dự trong việc đầu tư thêm.
Điều đó nói lên rằng không thể kỳ vọng hoàn toàn vào các nhà sản xuất dầu Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo các nhà sản xuất Mỹ sẽ tăng sản lượng trung bình 800.000 thùng/ngày trong năm nay.
Nhưng thật khó để tăng nhanh hơn thế, và điều đó đơn giản cho thấy không thể bù đắp cho sự mất mát dự kiến từ nguồn cung dầu Nga.
Theo Pháp luật và Bạn đọc