Làng nghề làm đèn lồng ông sao thủ công ở Nam Định tất bật làm hàng Tết Trung Thu
Những ngày này, ở làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định), người dân đang tất bật để cho ra thị trường những chiếc đèn ông sao màu sắc sặc sỡ với đầy đủ kích thước.
Làng nghề Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ thì có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống. Hầu hết người làng ai cũng có thể làm đèn.
Những chiếc đèn ông sao của làng Báo Đáp được chế tạo theo phương pháp thủ công. Để làm được một chiếc đèn ông sao, người làng phải chuẩn bị từ rất lâu. Muốn có một khung đèn chắc chắn lại nhẹ nhàng, ngay từ sau Tết, nhiều người dân bắt đầu mua tre nứa về ngâm, những thân đay (làm cán) phải được phơi qua "nhiều nắng" mới đạt đủ tiêu chuẩn...
Ngoài ra người làng Báo Đáp không có thói quen sử dụng keo dán công nghiệp để dán vỏ đèn, mà chỉ tin dùng theo phương pháp truyền thống. Theo các cụ trong làng, bột gạo được được nấu theo những công thức riêng sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ nhỏ...
Năm nay, các hộ sản xuất đèn ông sao nhận được nhiều đơn hàng hơn hẳn so với các năm trước. Điều đáng mừng nữa là giá của những chiếc đèn ông sao cũng tăng nên người dân rất phấn khởi.
Gia đình bà Đỗ Thị Rỗ có 4 người làm đèn ông sao, mỗi ngày có thể làm ra khoảng 500 sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Trận (chồng bà Rỗ - PV) cho hay, để làm đèn ông sao, gia đình ông nhập nguyên liệu là cây nứa, luồng ở Thanh Hoá về từ tháng Giêng âm lịch. Sau đó, luồng được bổ, chia đoạn rồi ngâm dưới ao để đảm bảo độ dẻo khi uốn. Còn giấy để trang trí thì nhập từ Trung Quốc.
Theo ông Trận, việc làm đèn nhộn nhịp nhất vào 4 tháng trong năm, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. “Từ đầu tháng 7 âm lịch tới nay nhà tôi luôn trong tình trạng “cháy hàng”, không có đủ sản phẩm để bán. Hiện giờ nhà tôi không dám nhận đặt thêm khách mới”, ông Trận nói.
Ông Trận cho hay, khi mới lên 6 - 7 tuổi đã học bố mẹ cách làm đèn và lưu truyền nghề của gia đình từ đó cho đến nay. Ngày trước khi còn chưa có điện hiện đại như bây giờ, cứ độ tháng 7 âm lịch trở đi đến Tết Trung thu, làng Báo Đáp luôn sáng rực đèn ông sao. “Tôi làm công việc này từ bé. Hơn 50 năm làm đèn ông sao nên với tôi công việc này rất đơn giản. Mỗi ngày tôi có thể làm được hơn 100 chiếc đèn ông sao loại nhỏ, được bán với giá 8.000 đồng/chiếc", ông chia sẻ thêm.
Tại "xưởng đèn" nhà ông Trận, mỗi người làm một công đoạn, trong đó con trai ông nhận việc sơn và phơi cán đèn, còn vợ ông dán giấy bóng và trang trí.
Ông Trận phụ trách việc buộc đèn. Ông bảo, để đèn được chắc, khoẻ các mối buộc bằng dây kẽm phải đều, khít... thì các cháu chơi được lâu hơn.
Cũng như nhà ông Trận, gia đình nhà ông Nguyễn Văn Chủng những ngày này đang tất bật làm đèn ông sao để trả hàng đặt trước. Ông Chủng cho hay, để có một chiếc đèn hoàn chỉnh phải qua rất nhiều khâu và đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một.
“Đây là nghề truyền thống của làng nên tôi muốn duy trì, phát triển. Làm nghề này cũng không đòi hỏi phải có sức khỏe, từ trẻ nhỏ đến người già đều làm được. Tuy nhiên người làm nghề phải chịu khó ngồi lâu với làm được”, ông Chủng vừa thoăn thoắt làm vừa nói.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Đình, một trong số ít người làm đèn ông sao cỡ lớn, cũng là đời thứ 3 được lưu truyền nghề làm đèn ông sao.
Theo ông Đình, đèn ông sao trong Tết Trung thu là một nét văn hoá của người Việt. Tại các trại thu tổ chức cho thiếu nhi không thể thiếu loại đèn này.
"Nghề làm đèn lồng có thể mai một chứ vẫn lưu truyền vì đây là một nét văn hoá. Sau một thời gian chạy theo các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc, giờ đây người tiêu dùng đã quay lại với đèn ông sao. Bởi đèn ông sao trong Tết Trung thu gắn liền với phong tục, tập quán và nét văn hóa người Việt...", ông Đình nói.
Đèn ông sao lớn được chia làm nhiều loại, trong đó loại lớn có đường kính lên tới 1m, còn loại vừa là 50cm, loại nhỏ 30cm, thậm chí còn có cả loại đại làm theo đơn đặt hàng của khách.
Trung bình 1 ngày ông Đình làm được khoảng 30 - 40 chiếc loại to; vớ loại nhỏ thì một người có thể làm được 100 - 120 chiếc/ngày.
"Đến tôi là đời thứ 3 làm nghề đèn ông sao loại to, giờ sức khoẻ cũng có giới hạn nên không làm được nhiều như trước. Nhìn chiếc đèn đơn giản thế nhưng để ra một sản phẩm cũng mất hơn chục công đoạn từ khâu lựa luồng đến chọn giấy phết.... Giờ lớp trẻ chạy theo xu hướng hiện đại, làm máy móc nhiều nên ít theo nghề thủ công của các cụ để lại...", ông Đình chia sẻ.
Bảo Khánh