Hồng Kông: 24 người bị bắt giữ trong hoạt động tưởng niệm thảm sát Lục Tứ
Ngày 4/6 năm nay là kỷ niệm 34 năm thảm sát Thiên An Môn, tại Hồng Kông, chính quyền đã bắt giữ 24 người tham gia tưởng niệm.
Ngày 4/6 năm nay là kỷ niệm 34 năm cuộc đàn áp quân sự đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989 (gọi tắt là sự kiện Lục Tứ). Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã siết chặt lối vào Quảng trường Thiên An Môn; đồng thời, tại Hồng Kông, chính quyền cũng đã bắt giữ 24 người, bao gồm các nhà hoạt động và nghệ sĩ.
Công viên Victoria ở Hồng Kông vẫn luôn là địa điểm tổ chức thắp nến tưởng niệm hàng năm vào ngày 4/6, tưởng nhớ các sinh viên trẻ, các nhà hoạt động dân chủ và những người dân thường đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát bằng xe tăng của ĐCSTQ vào sáng sớm ngày 4/6/1989.
Vào trước ngày kỷ niệm Lục Tứ năm nay, 8 người đã bị bắt giữ, bao gồm cả các nhà hoạt động và nghệ sĩ, động thái này của chính quyền Hồng Kông làm nổi bật thêm việc không gian tự do ngôn luận đang bị thu hẹp ở Hồng Kông. Hơn 16 người khác đã bị giam giữ gần Công viên Victoria vào Chủ nhật (ngày 4/6/2023).
Embed from Getty Images
Ngày 4/6/2023, bà Trần Bảo Doanh (Chen Baoying), chủ tịch “Liên kết Xã hội Dân chủ” của Hồng Kông, đã bị cảnh sát bắt giữ ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay) gần Công viên Victoria. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)
Các cuộc thảo luận về phong trào dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền ĐCSTQ, vẫn luôn bị dập tắt ở Trung Quốc. Kể từ khi áp dụng luật an ninh quốc gia sâu rộng ở Hồng Kông vào tháng 6/2020, đặc khu này ngày càng nghiêm ngặt trong việc cấm thảo luận về chủ đề này, cũng cấm bất kỳ ai tổ chức lễ tưởng niệm.
Đến nay, số người chết trong sự kiện đàn áp bạo lực năm 1989 vẫn là ẩn số. Trong nhiều năm, ĐCSTQ không ngừng sách nhiễu những người trong và ngoài nước đang cố gắng để mọi người ghi nhớ sự kiện này.
Theo hãng tin AP, tại Bắc Kinh, các biện pháp an ninh xung quanh Quảng trường Thiên An Môn đã được thắt chặt. Lâu nay, kiểm tra an ninh vẫn được thiết lập quanh Quảng trường Thiên An Môn, những người ra vào đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Người đi bộ hoặc đi xe đạp trên Đại lộ Trường An ở phía bắc quảng trường cũng bị chặn lại và buộc phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Những người có thị thực nhà báo trong hộ chiếu được thông báo rằng họ cần được phép đặc biệt để vào khu vực.
Một nhóm các bà mẹ mất con trong cuộc đàn áp Thiên An Môn đã đòi bồi thường trước ngày kỷ niệm Lục Tứ, đồng thời họ kêu gọi “sự thật, bồi thường và truy cứu trách nhiệm”.
Embed from Getty Images
Ngày 4/6/2023, các sĩ quan cảnh sát đứng gác ở Causeway Bay, gần Công viên Victoria ở Hồng Kông. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi ĐCSTQ thừa nhận trách nhiệm về việc sát hại sinh viên và các nhà hoạt động dân chủ.
“Chính quyền Trung Quốc tiếp tục trốn tránh trách nhiệm đối với vụ thảm sát Lục Tứ hơn ba thập kỷ trước, từ đó họ càng không kiêng nể gì, tùy tiện giam giữ hàng triệu người và thực thi kiểm duyệt ngôn luận và kiểm soát người dân hà khắc hơn, đồng thời tiếp tục xâm phạm nhân quyền trên quốc tế. Mặc dù vậy, người dân ở Trung Quốc và trên toàn thế giới sẵn sàng mạo hiểm sự an toàn cá nhân và quyền tự do của họ để lên tiếng và đòi quyền lợi của thuộc về họ.”
“Việc chính quyền Hồng Kông ngăn cản một cách đáng xấu hổ việc mọi người kỷ niệm (sự kiện Lục Tứ), phản ánh sự kiểm duyệt của chính quyền trung ương Trung Quốc (ĐCSTQ) và là một sự xúc phạm đối với những người đã chết trong cuộc đàn áp Thiên An Môn.”
Các lễ kỷ niệm công khai ở Hồng Kông đã bị “tắt tiếng” trong năm nay theo luật an ninh quốc gia do chính quyền Trung Quốc áp đặt, mặc dù thành phố đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phong tỏa COVID-19.
Sau các cuộc biểu tình lớn chống dẫn độ vào năm 2019, Hồng Kông đã ban hành việc thực thi sâu rộng cái gọi là Luật An ninh Quốc gia, dẫn đến việc phá hủy các tác phẩm nghệ thuật thị giác liên quan đến các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn. Gần đây, những cuốn sách về lễ kỷ niệm cũng đã bị hạ khỏi kệ của các thư viện công cộng.
Embed from Getty Images
Ngày 4/6/2023, một sự kiện thắp nến kỷ niệm 34 năm sự kiện Lục Tứ đã được tổ chức tại Quảng trường Tự do ở Đài Bắc, Đài Loan. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
Năm nay có thể là năm đầu tiên Hồng Kông không có bất kỳ hoạt động tưởng niệm công khai nào đối với sự kiện Lục Tứ. Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã thông báo vào cuối tháng 5 rằng họ sẽ hợp tác với các nhóm khác để tổ chức các hoạt động như tưởng niệm vào buổi tối tại hơn 20 thành phố trên khắp thế giới.
Những thành phố này bao gồm San Francisco, Washington, Seoul, Đài Bắc, Ulaanbaatar, Sydney, Paris, Amsterdam và London.
Công ty phát thanh truyền hình công cộng Hồng Kông (RTHK) cho hay, cảnh sát được cho là đã triển khai tới 6.000 sĩ quan để tuần tra các đường phố bao gồm Công viên Victoria và trụ sở chính phủ.
Tính đến khoảng 7:30 tối Chủ nhật, 10 người bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền và một cựu chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông đã bị cảnh sát đưa đi tại khu mua sắm Causeway Bay, nơi có Công viên Victoria.
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), các phóng viên của hãng tin AFP đã chứng kiến việc cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ít nhất 10 người, bao gồm cả bà Trần Bảo Doanh của đảng đối lập quan trọng “Liên kết Xã hội Dân”, người nổi tiếng chống dẫn độ “Vương bà bà” Vương Phượng Dao, phóng viên kỳ cựu Mạch Yến Đình, v.v.
Embed from Getty Images
Ngày 4/6/2023, người nổi tiếng chống dẫn độ “Vương bà bà” Vương Phượng Dao đã bị cảnh sát bắt giữ ở Causeway Bay, gần Công viên Victoria ở Hồng Kông. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)
Ngày 4.6, bà Trần Bảo Doanh đã đến vịnh Causeway Bay của Hồng Kông, nơi đã nhiều năm tổ chức lễ tưởng niệm Lục Tứ, tay cầm một chiếc đèn nến LED nhỏ và hai bông hoa. Ngay lập tức bà bị cảnh sát đưa lên xe cảnh sát.
Theo Reuters, cảnh sát Hồng Kông hôm 4/6 đã đưa ra một tuyên bố riêng cho biết 4 người đã bị bắt gần Công viên Victoria vì tình nghi có hành vi nổi loạn, đồng thời cảnh sát cũng bắt đi 4 người khác bị tình nghi “phá rối trật tự xã hội”.
Chính quyền Hồng Kông đã đặt ra các hạn chế để ngăn chặn buổi thắp nến tưởng niệm hoành tráng vào ngày 4/6 như trước đây, các thành phố như Đài Bắc, London, New York và Berlin tiếp tục lưu giữ ký ức này. Các hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức tại ít nhất 30 địa điểm ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Embed from Getty Images
Ngày 1/6/2023, để kỷ niệm 34 năm sự kiện Lục Tứ, Đài Bắc đã diễn tập vở kịch sân khấu “Ngày 35 tháng 5”. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)
Theo Đới Phù Nhược / Epoch Times
Chris Patten: Lịch sử và ký ức vụ Thảm sát Thiên An Môn không thể bị xóa nhòa Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông nói rằng dù mít tinh tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn không còn, nhưng lịch sử vẫn tồn tại...