Hai chiều lợi ích của livestream bán hàng qua mạng xã hội

Chia sẻ Facebook
05/04/2023 20:23:08

Bán hàng thông qua hình thức livestream trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử đang trở thành mô hình kinh doanh phổ biến và mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên để tận dụng tối ưu các cơ hội từ mô hình này các bên tham gia cần phải hiểu rõ và chia sẻ các giá trị một cách hợp lý.


Cuộc đua trong ngành công nghiệp tỷ USD

Livestream bán hàng qua mạng xã hội đang trở thành xu hướng tại Trung Quốc và Hàn Quốc khi thu hút được sự tham gia của rất nhiều nhãn hàng lớn. Việc bắt tay với các nhân vật nổi tiếng đã giúp nhiều nhãn hàng có được sự bùng nổ về doanh số. Cuộc đua này ngày một lớn đã thúc đẩy sự hình thành của một ngành công nghiệp có giá trị hàng chục tỉ USD ở hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này.

Sỡ dĩ nó được ưa chuộng bởi người xem có thể cảm nhận được sản phẩm một cách chân thật, có độ tin cậy và thao tác mua sắm dễ dàng. Một thế hệ KOLs (người có tầm ảnh hưởng) mới cũng được hình thành để thị trường có thể tạo cơ sở niềm tin cho khách hàng và hướng đến giá trị thực chất hơn cho sản phẩm hay uy tín của nhãn hàng.

Theo iResearch Consulting Group, quy mô thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp của Trung Quốc đạt 178 tỉ USD vào năm 2020, tăng 197% so với năm trước. Công ty tư vấn này dự kiến sẽ tăng lên 726 tỉ USD vào năm 2023.

Trạng thái lý tưởng của mô hình này còn được thúc đẩy khi các tỷ phú của Alibaba là Jack Ma kết hợp với Austin Li Jiaqi (biệt danh "vua son môi") livestream bán son môi đạt doanh thu 145 triệu USD. Hay như CEO Xiaomi Lei Jun livestream sau 2 tiếng thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ từ việc bán bút bi, cân điện tử đến smartphone, tivi…

Cuộc đua tầm cao này đã tạo nên cơn sốt livestream bán hàng khắp Trung Quốc và lan sang Việt Nam. Hiện nay, việc livestream bán hàng đang trở thành vũ khí mới của bán hàng trực tuyến trong nước cũng bắt đầu đạt được quy mô hàng tỉ USD.

Không chỉ trở thành phương tiện bán hàng cho hàng trăm ngàn cá nhân, shop, cửa hàng, livestream còn khiến các nhãn hàng lớn trên thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm, đầu tư chiến lược, bài bản để thúc đẩy doanh số. Điều này đang thúc đẩy sự ra đời của ngành livestream chuyên nghiệp.

Không gian kinh doanh online cũng tăng nhiệt khi đua đầu tư vào các nền tảng livestream nội địa ngày một tăng. Cụ thể, VinaCapital Ventures đã quyết định đầu tư vào GoStream với số tiền trong vòng gọi vốn đầu tiên là 1 triệu USD. Hay như Tập đoàn công nghệ NextTech đã cho ra đời Học viện Livestream NextOn.vn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm cho hàng trăm ngàn streamer tại Việt Nam, đồng thời kết nối việc bán hàng online tới hàng vạn doanh nghiệp trên toàn quốc…

Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam ước tính hiện có khoảng 57-60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị chi tiêu bình quân đầu người là 260-285 USD một năm. Con số này tăng gần 100 USD so với cách đây 5 năm và được dự báo sẽ tiếp tục nhảy vọt trong những năm tới. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm ngoái ước đạt 16,4 tỉ USD và đến năm 2025, có thể cán mốc 49 tỉ USD.


Chia sẻ trách nhiệm để thị trường bền vững hơn

Sự phát triển bùng nổ của livestream là điều được đoán định nhưng để trở thành nền tảng kinh tế livestream trị giá hàng tỷ USD tại Việt Nam, còn cần nhiều yếu tố khác. Trong đó quan trọng nhất vẫn là sự chia sẻ trách nhiệm giữa các bên tham gia để tối ưu giá trị cho cả hai chiều bán và mua.

Đầu tiên, thị trường cần hình thành đội ngũ streamer chuyên nghiệp, bài bản, tiến tới xây dựng cộng đồng các ngôi sao livestream.

Những người sáng tạo nội dung, livestreamer bán hàng tại Việt Nam cũng đối mặt với những mối lo về việc có ít người xem, tương tác; người xem nhiều nhưng không ra được đơn; tỉ lệ đơn hoàn trả cao cũng như việc bị “bom hàng… Bên cạnh đó, họ còn nỗi lo về trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của những đơn vị trong ngành livestream bán hàng.

Mới đây, thông tin về một nữ KOLs nổi tiếng bị tố bán hàng giả là ví dụ điển hình về việc chia sẻ trách nhiệm giữa các bên.

Cụ thể, nhân vật này thực hiện livestream bán hàng chính hãng, có chứng nhận rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ và được chính sàn thương mại điện tử giới thiệu. Tuy nhiên, đại lý sản phẩm này tại Việt Nam cho rằng nhân vật nổi tiếng này livestream bán hàng giả và rút sản phẩm ra khỏi sàn. Phía sàn thương mại điện tử cũng không có phản ứng rõ ràng, dẫn đến việc hiểu lầm từ người tiêu dùng.

Từ vụ việc trên có thể thấy, để mô hình này tận dụng được các cơ hội tăng trưởng, các nhãn hàng có thêm giải pháp kinh doanh thì vấn đề về trách nhiệm của từng bên cần được chia sẻ rõ ràng. Trách nhiệm từ những người sáng tạo nội dung, giới thiệu sản phẩm cho đến trách nhiệm của sàn thương mại điện tử bao gồm những gì? Việc đại lý ở vùng khác lấy giá đi bán ở Việt Nam là có nên hay không?

Điều này cũng đặt ra câu hỏi ai sẽ là người bảo vệ nhà sáng tạo nội dung trong trường hợp như của KOLs kể trên khi cô giới thiệu sản phẩm hợp pháp, đóng thuế đầy đủ, thậm chí qua công ty có chiết khấu cho sàn thương mại điện tử…

Chia sẻ Facebook