Chuyên gia: Phục hồi du lịch không thể chỉ phụ thuộc vào khách nội địa

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 16:13:12

Theo số liệu tính hết tháng 7, Việt Nam mới đón được khoảng 954.600 lượt khách quốc tế gồm: khách du lịch, các nhóm chuyên gia và lao động nước ngoài. Kết quả này chỉ đạt 19% kế hoạch năm 2022.

Theo các chuyên gia, lượng khách quốc tế tuy ít nhưng chiếm phần lớn doanh thu của ngành du lịch, do đó cần nhanh chóng phục hồi. (Ảnh: Trí Thức VN)

Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết tính chung 7 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954.600 lượt người, gồm khách du lịch, các nhóm chuyên gia và lao động nước ngoài, giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).

Theo phân tích, khách đến bằng đường hàng không đạt 831.000 lượt người, chiếm gần 87,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; bằng đường bộ đạt 123.300 lượt người, chiếm 12,9%; bằng đường biển đạt 257 lượt người, chiếm 0,03%.

Châu Á đóng góp lượng khách lớn nhất cho du lịch Việt Nam với 638.300 lượt người. Tiếp đến là khách châu Âu 142.900 lượt, châu Mỹ đạt 121.500 lượt, châu Đại Dương 48.400 lượt và cuối cùng là châu Phi 3.400 lượt.

Cùng thời điểm, tổng số khách du lịch nội địa đạt 71,8 triệu lượt người. Trong đó, khách tham quan trong ngày đạt 24,6 triệu lượt, khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú đạt 47,2 triệu lượt người

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết hôm 8/8 tại buổi tọa đàm phục hồi về du lịch, mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế luôn thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành du lịch. Do vậy, việc phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam là yêu cầu cấp bách, báo Thanh Niên đưa tin.

Còn ông Võ Anh Tài – Phó tổng giám đốc Saigontourist đánh giá sự phục hồi du lịch hội địa giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch. Tuy vậy, ông Tài cho hay 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế nhưng hiện đối tượng này chiếm tỷ trọng quá thấp, cũng theo báo Thanh Niên.

Trong bối cảnh mùa cao điểm du lịch hè sắp kết thúc, nếu dòng khách inbound chưa phát triển trở lại thì các hệ thống lưu trú, điểm đến sẽ vô cùng khó khăn khi bước vào mùa thấp điểm nhất của du lịch – giai đoạn tháng 9, tháng 10 tới.


“Sau đại dịch, muốn phục hồi kinh tế thì phải phục hồi du lịch. Để phục hồi du lịch thì phải phát triển hoàn toàn du lịch quốc tế mà cụ thể là khách inbound, không thể chỉ phụ thuộc vào du lịch nội địa” , ông Tài cho biết.

Phát biểu tại buổi tọa đàm trên, bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours cho rằng hạ tầng cơ sở nội tại quá tải, ngay cả “cửa vào” là thủ tục cấp visa cho khách quốc tế cũng rất nhiều khó khăn.


“Hôm rồi chúng tôi muốn làm visa cho đối tác nước ngoài sang họp mà phải lên đăng ký lấy số trên Cục Xuất nhập cảnh từ 6 giờ sáng rồi tới 5 tuần sau mới được lên nộp hồ sơ”, việc này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty, bà Lan cho biết.

Liên quan đến Hàng không du lịch, trong tháng 7 vừa qua, tỷ lệ chuyến bay chậm chuyến chiếm hơn 18% tổng số chuyến bay được cấp phép với hơn 6.000 chuyến, tiếp tục tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tương đương với số chậm chuyến trong tháng 6.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ chỉ đạt 81% trong tổng số hơn 33.200 chuyến bay được các hãng khai thác.


Đức Minh

Trái ngược Vietnam Airlines, Vietjet Air báo lãi hơn 426 tỷ đồng trong 6 tháng

Trái ngược với khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng của Vietnam Airlines, trong nửa đầu năm 2022, Vietjet Air báo lãi hợp nhất đạt hơn 426 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook