Chuyện gì đang diễn ra trên thị trường địa ốc Đà Nẵng?

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 06:07:35

Thị trường gần như đóng băng, thanh khoản rất ít tuy nhiên giá bất động sản tại Đà Nẵng và khu vực xung quanh vẫn “neo” ở mức cao.

Trò chuyện cùng Giám đốc truyền thông của một "ông lớn" bất động sản tại Đà Nẵng, anh cho biết thị trường hiện nay quá khó, nhiều doanh nghiệp đang phải "sống cầm chừng". Cả tháng nay, thị trường chững lại và hầu như rất hiếm có giao dịch.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang vắng bóng nhà đầu tư và các dự án mới


Những ngày cuối tháng 5/2022, sàn giao dịch M. quảng cáo chuẩn bị mở bán những Block đất nền cuối cùng tại Đà Nẵng với giá bán dự kiến 50-55 triệu/m2 (đường 7.5m) và 75-80 triệu/m2 (đường 10.5m).

Trong câu chuyện cà phê sáng, bình luận về mức giá này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp địa ốc cho rằng quá phi lý. "Thị trường đóng băng, giao dịch hầu như không có. Chưa kể với số tiền nói trên, có thể qua trung tâm TP Đà Nẵng mua được đất, thậm chí mà mua được nhà", lãnh đạo một sàn giao dịch nói.

Dạo một vòng quanh thị phần bất động sản Đà Nẵng sẽ thấy, tình hình thị trường hết sức ảm đạm, sức tiêu thụ giảm mạnh. Thị trường đang vắng bóng nhà đầu tư, các dự án mới rất hiếm có mặt, chỉ những người dân hy vọng bức bách về nhà ở và có tiền tươi mới dám mua.

Lý giải về tình hình này, một nhà đầu tư có "máu mặt" cho biết việc các ngân hàng "siết" tín dụng là một trong những nguyên nhân chính. "Trước nếu mình vay 5 đồng, khi đáo hạn sẽ được ngân hàng tiếp tục cho vay 5 đồng, thậm chí lên 7 - 8 đồng. Còn hiện nay cũng với số tiền đó, khi đáo hạn ngân hàng rút lại còn 3 đồng, hay cao là 4 đồng. Thậm chí thấp hơn. Do đó, dù công nhận hay không thì ngân hàng vẫn là bầu sữa cho thị trường bất động sản nên khi dòng tiền bị siết lại thị trường sẽ lập tức khó khăn", ông nói.

Về phía ngân hàng nhà nước, dù cơ quan này vẫn khẳng định không có chính sách siết tín dụng bất động sản , nhưng theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016 lại có nhiều đề xuất mang tính thắt chặt với dòng vốn này.

Theo đó, tại dự thảo mới, NHNN đã đề xuất quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở. Đặc biệt là các khoản vay với số tiền lớn.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo còn bổ sung một loạt nhu cầu vốn yêu cầu các ngân hàng không được cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch với bên thứ ba; cho vay thanh toán tiền đặt cọc dự án hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện; không cho vay bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa…

"Theo tôi, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư, khách hàng cần phải tỉnh táo, không nghe những lời hoa mỹ, đừng thấy "người ăn khoai cũng vác mai đi đào" để tránh "ôm bom"", ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản đưa ra lời khuyên.

Chia sẻ Facebook