Cây 'thần dược' tái sinh sau hàng ngàn năm?
Một loài thực vật đã tuyệt chủng, theo giới y học La Mã, Hy Lạp thời cổ đại mô tả là 'thần dược' giúp tăng khả năng chăn gối và chữa bách bệnh.
Một loài thực vật đã tuyệt chủng , mà theo giới y học La Mã , Hy Lạp thời cổ đại mô tả là “thần dược” giúp tăng cường khả năng chăn gối và chữa bách bệnh, bất ngờ được phát hiện dưới chân một ngọn núi lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem đây có đúng là loài thảo dược quý giá tái sinh sau hàng ngàn năm hay không.
Chữa bách bệnh
Theo Gaius Plinius Secundus, triết gia La Mã được biết nhiều với tên Pliny the Elder sống vào thế kỷ 1, hoàng đế Nero là người đã dùng phần thân cây silphion cuối cùng, loài thực vật được cho là đã tuyệt chủng gần 2.000 năm trước.
Silphion (tên khoa học là Ferula drudeana) là một trong những loài thực vật có giá trị cao từng được săn lùng nhiều nhất ở Địa Trung Hải thời cổ. Còn được gọi là lazewort và silphium, loài cây có hoa vàng này được người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại dùng sản xuất kẹo cao su, không chỉ có tính năng như một loại thuốc kích thích tình dục mạnh mẽ, mà còn có tác dụng tránh thai.
Silphion mọc nhiều ở vùng Cyrene, hiện nay là Libya, khoảng 2.500 năm trước. Trong quyển sách “Natural History” (Lịch sử tự nhiên) có từ thế kỷ 1 thuộc Công nguyên, người ghi chép biên niên sử, triết gia La Mã, Pliny the Elder, đã gọi những chiếc lá của silphion là “maspetum” và cho biết nó có nét tương đồng đáng kể với rau mùi tây.
Ngoài ứng dụng giúp tăng cường hoạt động trong lĩnh vực phòng the, Ferula drudeana còn được các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại sử dụng để làm giảm những cơn đau dạ dày và loại bỏ mụn cóc. Vào thời La Mã, loài cây này còn được dùng để làm gia vị cho thực phẩm.
Các nhà sử học cho rằng, hoàng đế Julius Caesar đã tích trữ khoảng 500kg thực vật này, một phần được giữ cẩn thận trong kho bạc hoàng gia La Mã. Vào lúc đó “những cây con silphion được định giá ngang với bạc”.
Nhưng sau 7 thế kỷ được ghi nhận xuất hiện đầu tiên dọc theo bờ biển Cyrene, silphion dần biến mất. Từ sự tuyệt chủng của nó, các nhà khoa học cảnh báo việc khai thác quá mức của con người trong việc dùng các loài thực vật làm món ăn, vị thuốc có thể xóa sổ chúng khỏi tự nhiên nhanh chóng. Nhưng liệu loài silphion có thực sự tuyệt chủng?
Phát hiện bất ngờ
Sau khi loài cây này biến mất khỏi lịch sử, suốt thời Trung cổ, nhiều nhà thám hiểm đã ra sức săn lùng chúng nhưng họ đều trở về tay không. Cho đến năm 1983, GS Mahmut Miski trong khi đi bộ ở chân núi Hasan, một ngọn núi lửa còn hoạt động ở vùng Cappadocia, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, thì tình cờ phát hiện Ferula drudeana.
Nhưng phải mất hai thập niên, ông mới mạnh dạn khẳng định nó chính là silphion cổ đại, được cho đã tuyệt chủng hàng ngàn năm trước.
Tháng 10 năm 2021, sau khi tuyết tan tại địa điểm này, GS Mahmut Miski quay trở lại chân đồi và rất thú vị khi chứng kiến loài cây này rộ hoa. Ông quan sát thấy sau khi bị hút vào nhựa cây màu ngọc trai, các loài côn trùng có cánh bắt đầu giao phối, điều này khiến ông liên tưởng đến đặc tính kích thích tình dục của loài thực vật cổ đại trên.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Plants sau đó, GS Mahmut Miski đã mô tả những điểm tương đồng giữa silphion, được mô tả trong các văn bản cổ và trên đồng xu Cyrenaican với Ferula drudeana mà ông vừa phát hiện: Rễ dày, phân nhánh, tương tự như nhân sâm, các lá gốc giống như mặt sau, một cuống có rãnh vươn lên thành những cụm hoa hình tròn lộng lẫy, lá giống cần tây hoặc quả mericarps, có hình trái tim ngược.
Sự giống nhau về vẻ ngoài không phải là sự liên quan đáng chú ý duy nhất. Silphion khởi thủy được cho là đã xuất hiện đột ngột, sau một trận mưa lớn. Giờ đây, Miski quan sát thấy, khi mùa mưa đến Cappadocia vào tháng 4 hằng năm, Ferula drudeana sẽ nhô lên khỏi mặt đất, cao lên gần 2m chỉ trong hơn một tháng.
Theo GS Mahmut Miski, việc liệt kê các công dụng của loài cây này sẽ là “một công việc không bao giờ dứt”. Trong thời cổ đại, phần thân của nó được nghiền nát, rang, sao, cũng có thể luộc, còn rễ thì nhúng vào giấm và ăn tươi. Người ta cho rằng, khi cừu ăn loại cây này, “thịt của chúng trở nên mềm ngon”.
Vào năm 2020, sau khi kiểm tra các đặc tính kích thích tình dục của rễ cây Ferula drudeana, các nhà nghiên cứu kết luận, chiết xuất của cây này có tác dụng “tăng cường hành vi tình dục của chuột đực”.
Chất dẫn xuất của cây có hiệu quả kích thích ham muốn tình dục mạnh mẽ đến mức nhóm các nhà khoa học cho rằng, người xưa có cơ sở khi ghi chép từng sử dụng loài Ferula drudeana để trị liệu rối loạn chức năng tình dục nam giới. GS Miski tin rằng, các phân tích trong tương lai về loài cây này sẽ cho thấy sự tồn tại của hàng chục hợp chất chưa được xác định đang được quan tâm trong y học.
Nếu tuyên bố của GS Mahmut Miski là đúng thì loài thực vật cổ đại được cho là đã tuyệt chủng này vẫn còn hiện diện trên Trái đất và chỉ có danh tính của nó mới bị mất trong 2.000 năm qua.
Erika Rowan, Phó Giáo sư ngành cổ vật học tại Đại học Hoàng gia Holloway, London, nhận thấy phát hiện của GS Miski là đáng tin cậy. Ông nói: “Người xưa rất giỏi trong việc vận chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác. Không có lý do gì mà những người từ Cyrenaica lại không thể mang hạt giống đến Cappadocia và gieo trồng chúng. Khí hậu ở đây cũng tương tự như ở Địa Trung Hải. Đồng thời loài Ferula này trông giống như những gì được hiển thị trên đồng xu cổ”.
Nhà khoa học Lisa Briggs, thuộc Bảo tàng Anh thì cho biết, cách duy nhất để xác nhận xem chúng có giống nhau hay không là phải tìm được tàn tích của loài thực vật cổ đại trên để so sánh và phân tích. Cô khẳng định, các mẫu vật này có thể được tìm thấy dưới đáy biển trong khu vực tại một trong những nơi đắm tàu thời cổ đại. Các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó sẽ xác nhận sự tái sinh của loài này.
Theo Ancient – origins
Một vết xước nhỏ trên chảo chống dính giải phóng hàng nghìn vi nhựa