Bổ thận An Vương vi phạm quảng cáo
Bộ Y tế tiếp tục đưa ra cảnh báo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ thận An Vương vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Cục An toàn thực phẩm ( Bộ Y tế ) ngày 31/3 thông tin, trong thời gian vừa qua trên trang website: https://vnconsumer.com/community/threads/thực-phẩm-bảo-vệ-sức-khỏe-bỔ-thẬn-an-vƯƠng-số-công-bố-440-2022-Đksp.13332/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ thận An Vương vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa được cấp giấy xác nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ thận An Vương (Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, 52 Đông Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh ) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ thận An Vương tại các trang website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Trước đó, ngày 29/3, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo trong thời gian qua tại một số website, link vi phạm quảng cáo một số sản phẩm.
Cụ thể: website https://icheck.vn quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Joint Relief Plus mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện.
Một số link trên shopee, https://www.ngocmynuplus.com quảng cáo các sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đông trùng hạ thảo Bách Niên (tăng cường thể lực), Ngọc Mỹ Nữ Plus (bổ sung nội tiết tố, sinh lý nữ) không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Cục An toàn thực phẩm liên tục phát cảnh báo về nhiều loại thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng.
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Các vi phạm phổ biến gồm: Quảng cáo sai sự thật; quảng cáo khi chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các sản phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật; quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh; lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo... ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng .