Tây Du Ký: Những yêu quái nào khiến Tôn Ngộ Không phải kiêng dè? (P.2)
Trong tiểu thuyết Tây Du Ký, suốt chặng đường thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng đã xuất hiện vô số yêu ma quỷ quái, vừa để đề cao tâm tính vừa để khảo nghiệm sự kiên định của bốn người đối với Phật Pháp…
Trong phần 1 chúng ta đã nói đến bốn yêu quái có sức mạnh và thần thông đủ sức khiến Tôn Ngộ Không chật vật tìm cách đối phó, đó lần lượt là Bách Nhãn Ma Quân, Hắc Hùng Tinh, Hồng Hài Nhi, Ngưu Ma Vương.
Trong phần này chúng ta sẽ đến với ba yêu quái còn lại với bản sự còn có phần ghê gớm hơn, thật sự là những đại kình địch làm cho Tề Thiên Đại Thánh phải long đong khổ sở nhiều phen. Đồng thời ở cuối phần này chúng ta cũng sẽ thảo luận một chút xem những yêu quái này vì sao có năng lực hoặc thần thông lớn như vậy.
Top 3. Lục Nhĩ Mị Hầu
Lục Nhĩ Mị Hầu là yêu quái xuất hiện trong kiếp nạn Tôn Ngộ Không thật – giả. Yêu quái này vốn là con khỉ sáu tai biết việc nghìn dặm, biến hóa vô cùng, nó hóa ra hình dạng giống như Tôn Ngộ Không, đánh Đường Tăng cướp hành lý, vọng tưởng muốn thay thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh.
Lục Nhĩ Mị Hầu không chỉ có cùng hình dáng, mà thần thông võ nghệ cũng hoàn toàn tương tự như Tôn Ngộ Không, cũng có 72 phép biến hóa, cũng biết nhào lộn Cân Đẩu Vân, cũng có vòng kim cô đội trên đầu và tay cũng cầm gậy Như Ý.
Y và Tôn Ngộ Không giao đấu mãi mà vẫn không phân được cao thấp. Thậm chí kính chiếu yêu của Lý Thiên Vương, huệ nhãn của Quan Âm Bồ Tát, cho đến chư Thần từ Thiên Cung xuống Địa Phủ, cũng không thể phân biệt được ai là thật ai là giả. Sau cùng hai người phải đến Linh Sơn, nhờ Phật Như Lai giúp phơi bày chân tướng, Lục Nhĩ Mị Hầu mới hiện nguyên hình và bị Tôn Ngộ Không thật đánh chết.
Ngoài ra con Đế Thính của Địa Tạng Vương Bồ Tát có thể nghe hiểu chính tà, biết được hiền ngu, nên cũng phân biệt được thật giả. Tuy nhiên Đế Thính không dám nói ra vì sợ Lục Nhĩ Mị Hầu trả thù, nó nói với Địa Tạng Bồ Tát: “Yêu quái này thần thông không kém gì Tôn Ngộ Không thật, các Thần ở Âm gian không ai đủ pháp lực để bắt nó cả.”
Lục Nhĩ Mị Hầu có lẽ chính là hiện thân cho ma tính của Tôn Ngộ Không, vốn do ma tâm diễn hóa mà thành, nên mới có tướng mạo và bản lĩnh không khác gì lão Tôn, chư Thần và Bồ Tát cũng không thể biết được thật giả, chỉ có Đức Phật Như Lai nhìn thấu Thiện ác mới phân biệt được. Trên đường đi lấy kinh, Ngộ Không không kìm được ma tính bộc phát nên đã giết chết mấy tên cướp, bị Đường Tăng trách mắng đuổi đi, vì lẽ đó mà Hầu Vương sinh tâm oán trách muốn từ bỏ việc thỉnh kinh. Lục Nhĩ Mị Hầu chính là kiếp nạn sinh ra đối ứng với cái tâm này của Tôn Ngộ Không.
Top 2. Tỳ Bà Tinh
Tỳ Bà Tinh là một nữ yêu ở động Tỳ Bà, bản tính dâm ác lẳng lơ, muốn bắt Đường Tăng kết hôn với mình. Tuy là một nữ yêu nhưng thần thông của y thị rất lớn, ngay cả khi Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới hợp lại vây đánh cũng không thể thắng được cặp thiết xoa trong tay của y thị.
Trong lần giao đấu đầu tiên, Tôn Ngộ Không bị y thị chích vào đầu, khiến lão Tôn đau nhức suốt cả một đêm. Sang hiệp hai đến lượt Bát Giới bị chích vào môi miệng, cũng sưng vù lên không sao chịu nổi, chỉ biết rên rỉ. Tỳ Bà Tinh thậm chí còn huênh hoang nói: “Ngay cả Như Lai còn sợ ta, huống hồ bọn kém cỏi các ngươi!”
Về sau Quan Âm Bồ Tát hiện thân nói rõ chân tướng của Tỳ Bà Tinh cho Tôn Ngộ Không biết: Nó vốn là con bò cạp cái thành tinh, cặp thiết xoa là càng của nó, còn đuôi nó chích người gọi là “đảo mã độc”. Nó từng tới Linh Sơn nghe Phật Tổ giảng Kinh nên mới có bản sự to lớn như vậy. Nhưng bản tính nó độc ác nên Phật Tổ không cho phép nghe Pháp cao hơn, bèn lấy tay khều nó ra, nó đã chích Đức Phật một cái nên bị các vị Kim Cang bắt lại. Hiện tại nó trốn ra làm hại Đường Tăng, chỉ có Mão Nhật Tinh Quân mới chế phục được nó.
Tôn Ngộ Không bèn lên Thiên Cung mời Mão Nhật Tinh Quân đến giúp hàng yêu. Tinh Quân chỉ đưa tay xoa vài cái là vết thương trên miệng của Bát Giới và trên đầu của Ngộ Không tức thì hết đau ngay. Sau đó Tinh Quân hiện rõ bản tướng là con gà trống mồng đỏ dưới ánh mặt trời. Gà trống hướng về phía yêu quái gáy một tiếng thì nó lập tức hiện nguyên hình, gáy hai tiếng thì nó chết cứng. Con bọ cạp ấy liền bị Bát Giới dùng đinh ba đập nát nhừ.
Tỳ Bà Tinh tuy bị diệt trừ, nhưng chính là một đối thủ lợi hại bậc nhất của Tôn Ngộ Không. Ngoại trừ phép “đảo mã độc” ra thì bản lĩnh võ nghệ của nó cũng rất ghê gớm, có thể giao đấu với Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới liên thủ mà không kém thế chút nào. Yêu quái này chỉ sợ Mão Nhật Tinh Quân, đây là do mỗi vật đều có khắc tinh, theo đúng nguyên lý tương sinh tương khắc của người Á Đông.
Top 1. Kim Sí Điểu
Vị trí quán quân trong các đối thủ của Tôn Ngộ Không không ai khác chính là Đại Bàng Kim Sí Điểu. Không chỉ có bản lĩnh cao cường, thần thông biến hóa, đa mưu túc trí, có pháp bảo là bình Âm Dương, Kim Sí Điểu còn có khả năng bay lượn phi phàm, thậm chí vượt qua khỏi Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không, đây là điều mà không vị Thần nào trên Thiên Cung làm được!
Về lai lịch, Kim Sí Điểu không phải yêu quái phàm gian, cũng không phải thú cưỡi của các vị Bồ Tát hay Thần Tiên trên Trời, mà càng ghê gớm hơn, y chính là “họ hàng” của Phật Tổ.
Theo lời kể của Đức Phật, khi mới khai thiên tịch địa, Phượng Hoàng là Chủ của các loài chim, sinh ra Khổng Tước và Đại Bàng. Khổng Tước rất thích ăn thịt người, ngay cả Phật Tổ cũng từng bị nó nuốt vào bụng. Đức Phật rạch lưng nó thoát ra ngoài, Ngài vốn định lấy mạng nó để trừ hại cho nhân loại, nhưng các vị Tiên nói nếu Ngài giết nó thì cũng như sát hại người sinh ra mình. Đức Phật liền giữ Khổng Tước lại Linh Sơn tu luyện, khi thành Đạo thì được phong làm Phật Mẫu Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát. Còn Đại Bàng Kim Sí Điểu vốn là anh em cùng mẹ với Khổng Tước, nên tính ra thì Đức Phật phải gọi nó là “cậu”!
Kim Sí Điểu chiếm thành Sư Đà xưng vương, lại kết nghĩa huynh đệ với hai yêu quái Thanh Sư và Bạch Tượng hòng bắt Đường Tăng ăn thịt. Ba tên ma đầu này đã gây rất nhiều khó khăn cho bốn thầy trò Đường Tăng, là một kiếp nạn vô cùng khó qua. Thậm chí có lúc cả bốn thầy trò đều bị bắt, cả Tôn Ngộ Không cũng bị cho vào lồng hấp! May thay Tôn Ngộ Không biến hóa thoát ra ngoài được, mời Bắc Hải Long Vương đến truyền hơi lạnh vào lò mới khiến cho ba người còn lại không bị hấp chết.
Tuy nhiên Hầu Vương cũng không cách gì đối phó với ba tên ma đầu để cứu Đường Tăng, cuối cùng y đành phải sang Tây Phương cầu viện Phật Tổ. Đức Phật Như Lai bèn mời hai vị Bồ Tát là Văn Thù và Phổ Hiền đến, đích thân dẫn theo chúng Thánh cùng đi bắt yêu tinh.
Ba yêu tinh đuổi theo Tôn Ngộ Không lên mây, liền rơi vào vòng hào quang của Phật Pháp. Trước mặt chúng có Tam Thế Phật là Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai, sau lưng có năm trăm vị La Hán, xung quanh có ba ngàn Thần Yết Đế, khiến chúng không cách gì thoát thân được nữa. Kim Sí Điểu vẫn ngoan cố không hàng phục, còn ngông cuồng đòi giết Đức Phật để cướp Lôi Âm Tự!
Nhưng ngay sau đó Thanh Sư và Bạch Tượng liền bị chủ nhân thu phục, chúng vốn là con sư tử lông xanh và con voi trắng sáu ngà của hai vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền. Còn Kim Sí Điểu cũng bị Đức Phật hóa phép cho hiện ra bản tướng là con đại bàng cánh vàng. Kim Sí Điểu lúc này mới bị khuất phục, đành phải quy y theo Phật về Tây Phương tu hành.
Ngoài ra Kim Sí Điểu còn có một bảo vật là bình Âm Dương, tuy nhỏ bé nhưng vì chứa hai khí Âm Dương nên phải 36 người mới khiêng nổi. Tôn Ngộ Không từng bị bỏ vào cái bình này và suýt mất mạng trong đó, may thay lúc cấp bách y bèn dùng ba sợi lông cứu mạng mà thuở xưa Quan Âm Bồ Tát ban tặng để khoan thủng đáy bình, nhờ vậy mới thoát thân được. Tuy bình bị phá hỏng nhưng nó cũng đã khiến lão Tôn nếm không ít đau khổ.
Lời kết
Bảy yêu tinh trên đều có bản lĩnh rất cao cường, tuy mỗi tên một vẻ nhưng cùng có một điểm chung, đó là sinh mệnh của chúng đều có duyên phận với Phật Pháp.
Bách Nhãn Ma Quân từng làm đạo sĩ tại Hoàng Hoa Quán, về sau trở thành Thần giữa cửa cho Tỳ Lam Bồ Tát; Hắc Hùng Tinh vốn yêu thích cà sa và kinh Phật, sau trở thành Thần giữ núi Phổ Đà cho Quan Âm Bồ Tát; Hồng Hài Nhi được Quan Âm thu làm Thiện Tài Đồng Tử; Ngưu Ma Vương sau khi bị hàng phục liền theo các vị Kim Cang về đất Phật; Lục Nhĩ Mị Hồng tuy gian trá quỷ quyệt nhưng cũng có tâm muốn thỉnh chân kinh; Tỳ Bà Tinh từng tới Linh Sơn nghe Phật Pháp; còn Kim Sí Điểu vốn có “họ hàng” với Phật Tổ và về sau cũng về Linh Sơn làm Hộ Pháp cho Đức Phật.
Từ điều này chúng ta có thể thấy rằng những yêu tinh trên có bản sự to lớn không phải là ngẫu nhiên, mà đều do chúng có duyên với nhà Phật nên mới được như vậy. Rõ ràng nhất là Tỳ Bà Tinh nhờ nghe Như Lai Pháp mới có bản sự ghê gớm đánh được cả Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới liên thủ.
Trong bảy yêu tinh sau cùng chỉ có Tỳ Bà Tinh và Lục Nhĩ Mị Hầu là bị đánh chết, những yêu tinh còn lại đều theo Phật và Bồ Tát tu hành. Chúng vốn có duyên với Phật, nên sinh mệnh của chúng không phải được định sẵn sẽ bị diệt trừ, mà do chúng hành ác đa đoan không biết hối cải nên mới tự chuốc lấy diệt vong.
Điều này cho thấy rằng Phật Pháp có từ bi và cũng có uy nghiêm, mọi chúng sinh đều có cơ hội trước Thần Phật, nhưng nếu liên tục làm điều ác mà không tỉnh ngộ thì Thần Phật và Thiên lý cũng không thể dung thứ được.
Thế Di
Từ Khóa :