Phần Lan “không mặn mà lắm” với ý tưởng gửi quân NATO tới Ukraine

Chia sẻ Facebook
18/05/2024 05:59:33

Một quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt như Phần Lan cũng như các nước vùng Baltic rõ ràng rất nhạy cảm với vấn đề này.


Bất chấp gợi ý từ một số nhà lãnh đạo châu Âu rằng họ sẽ xem xét gửi quân hỗ trợ tới Ukraine, một quan chức cấp cao của Phần Lan cho biết ý tưởng này “không khơi dậy được nhiều sự nhiệt tình” ở đất nước ông, trang Breaking Defense đưa tin hôm 16/5.


“Tôi nghĩ chính sách này được các quốc gia thành viên NATO ủng hộ rộng rãi. Theo tôi hiểu rằng đó là chúng tôi làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Ukraine. Nhưng tôi không thấy nhiều sự nhiệt tình với việc để NATO tham gia trực tiếp trên thực địa”, ông Janne Kuusela, Tổng Giám đốc Chính sách Quốc phòng tại Bộ Quốc phòng Phần Lan, cho biết hồi tuần trước.


Một mặt, ông Kuusela lưu ý rằng quyết định này có thể không mang tính “hắc bạch phân minh” như người ta tưởng, vì các quốc gia NATO đã trang bị vũ khí cho Ukraine cũng như cung cấp sự cố vấn và hỗ trợ Kiev – đến mức Moscow đã coi cuộc xung đột này là một cuộc chiến Nga -NATO.


“Họ không mặn mà lắm với chuyện đó”, ông Kuusela nói, đề cập đến những “lằn ranh” mà các nước phương Tây đã tự vạch ra cho mình về quân đội. Ông nói: “Tôi không thấy nhiều sự nhiệt tình với việc triển khai quân tới đó”.


Mặt khác, vị quan chức Phần Lan cho biết rằng cảm xúc luôn có thể thay đổi. “Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc cuộc xung đột này sẽ phát triển hơn nữa như thế nào và liệu nó sẽ tiếp tục diễn ra bên trong Ukraine hay sẽ lan rộng ra ngoài”, ông nói.

Các binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan đứng trước hệ thống tên lửa phóng loạt M270 trong cuộc tập trận quân sự quốc tế Cold Response 22, tại Setermoen, Na Uy, tháng 3/2022. Ảnh: Getty Images


Đại sứ Mỹ tại Phần Lan Douglas Hickey, người đảm nhận chức vụ này từ tháng 4/2022 – sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine nhưng trước khi Phần Lan gia nhập NATO – nói rằng ông cũng không thấy có nhiều người ủng hộ ý tưởng đưa quân đội Phần Lan đến Ukraine.


Ông Hickey nói với Breaking Defense trong cuộc phỏng vấn qua video hôm 15/5 rằng Washington rõ ràng không đồng tình với ý tưởng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra lần đầu tiên vào tháng 2 rằng các lực lượng phương Tây nên sẵn sàng gửi quân tới Ukraine.


Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin, phát biểu trước người ủng hộ sau khi cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga kết thúc, cảnh báo phương Tây rằng một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ đồng nghĩa với việc hành tinh này chỉ còn một bước nữa là đến Thế chiến III, nhưng ông cho biết hầu như không ai muốn một kịch bản như vậy.


Trong tuần này, các Bộ trưởng Quốc phòng của cả Canada và Thụy Điển đã “dội gáo nước lạnh” vào ý tưởng triển khai quân tới Ukraine, Breaking Defense cho biết. Trong khi đó, Thủ tướng Litva Ingrida Šimonytė đã nói với tờ Financial Times của Anh rằng bà sẵn sàng gửi quân đội Litva đến Ukraine để huấn luyện lực lượng của Kiev ở đó.


Bộ trưởng Quốc phòng Estonia , Tướng Martin Herem, cho biết cuộc thảo luận về khả năng cử quân đội Estonia đến hỗ trợ Ukraine về các công tác y tế, hậu cần hoặc phòng không thay quân đội Ukraine trên mặt trận, đã kết thúc vì các cuộc thảo luận như vậy “không đi đến đâu”.


Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nói với tờ Politico của Mỹ rằng các nước phương Tây không nên hoàn toàn phản đối ý tưởng gửi quân tới Ukraine nếu tình hình ở đó xấu đi.


“Điều quan trọng là chúng ta không loại trừ mọi khả năng về lâu dài, bởi vì chúng ta không bao giờ biết được tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng đến mức nào”, bà Valtonen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Mỹ hồi tháng 3. “Nhưng quan điểm của Phần Lan rất rõ ràng: Hiện tại chúng tôi không gửi bất kỳ quân nhân nào và không sẵn sàng thảo luận về điều đó”.


Hiện tại, các quan chức ở Phần Lan đang tập trung làm những gì có thể cho Ukraine từ xa, đồng thời xây dựng hệ thống phòng thủ của chính mình đề phòng bất trắc, bất kể kết quả của cuộc xung đột hiện tại ra sao.


“Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine hiện là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chúng tôi”, ông Kuusela nói. “Nhưng trước hết là vấn đề phòng thủ của Phần Lan: Tôi thường bắt đầu bằng cách nói rằng Phần Lan là một quốc gia rất thiên về phòng thủ, nhiều hơn hầu hết các nước châu Âu khác” .


Minh Đức (Theo Breaking Defense, Politico)

Chia sẻ Facebook