Ngày tri ân
Hôm nay là 20 tháng Mười Một, ngày Nhà giáo Việt Nam. Cũng lâu lâu rồi, nhiều người gọi là ngày tri ân nhà giáo. Tôi thích cách gọi ấy.
Nói gì thì nói, một con người lớn lên, trưởng thành, không thể không qua tay những người thầy. Người ấy đầu tiên là bố mẹ mình, rồi tới những người dìu dắt dạy dỗ. Thầy dạy chữ là một trong những thầy quan trọng.
Họ truyền thi thức và truyền lửa.
Tôi đánh giá cao sự truyền lửa.
Dịp này nhiều báo có bài, phóng sự về đời sống của giáo viên vùng cao.
VTV lại có một phóng sự rung động lòng người về các thầy cô giáo ở điểm trường Phia Cò 2, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, chương trình “Tổ quốc trong tim”. Tôi tin, ai xem xong mà không xúc động thì chắc phải là người không bình thường. Những đứa học trò như những cái nấm đi trong mưa rét, xách theo cặp lồng cơm, chúng tới lớp là tất cả thầy cô mừng.
Trống trường dùng để báo học hay nghỉ chứ không phải báo giờ vào học. Hôm nào tiếng trống vang lên là học sinh lục tục tới lớp, hôm nào trống im lặng là hôm ấy nghỉ bởi... tắc đường.
Lớp ghép, hai lớp quay lưng lại nhau học. Lạnh thế mà nhiều đứa đi chân đất và chỉ một cái áo phong phanh tới lớp. Cô sống không điện, không sóng điện thoại, bếp củi nấu nồi cơm cặm cụi ăn, vừa ăn vừa nhớ chồng nhớ con gửi nơi xa. Tranh thủ ăn rồi đi vận động học trò đi học.
Học trò tới lớp ăn cơm không với muối. Thi thoảng cô bỏ tiền mua mấy gói mì tôm nấu canh lấy nước chan cơm là chúng coi như được ăn cỗ, nhưng cũng không mãi được, bởi lương cô đâu có nhiều.
Niềm vui trong ngày của thầy cô ngoài lúc học trò tới lớp, còn là lúc ra chỗ duy nhất trong xã có sóng để... hứng sóng nói chuyện với gia đình. Những cuộc đi “hứng sóng” như thế là như hội, đi tập thể. Các nhân vật trong phóng sự không ai khóc nhưng nhiều người xem đã chảy nước mắt.
Ở Lào Cai có cô giáo 24 năm cắm bản, mỗi ngày đi dạy 20km. Hai mươi bốn năm, cộng lại là bao nhiêu cây số, bao nhiêu vòng đất nước, mà nào có được đường bằng phẳng. Cứ một mình trên đường như thế, ngày này qua ngày khác.
Một cái ảnh và clip trên một tờ báo làm chấn động người đọc là cảnh các thầy cô giáo luồn cây khiêng xe qua suối, và đỉnh điểm là thầy giáo cõng cô giáo qua suối lúc nước đang cuồn cuộn. Chuyến ấy để vào tới trường, họ phải đi tới mấy ngày, bởi cứ qua suối, tắc đường lại ngủ lại nhà dân, rồi lại qua. Họ không quay về mà quyết tâm vào trường. Xem ảnh và clip không ai không trào lên xúc động. Vẳng trong clip vẫn có những tiếng cười trong trẻo.
Từ một trường, rồi một số trường lại có sáng kiến là đề nghị các cơ quan ban ngành, thay vì tặng quà và hoa dịp này, xin quy ra... bảo hiểm y tế cho các cháu học sinh nghèo.
Một trường nữa, thay vì ngồi... nhận quà từ học sinh, lại chủ động tặng mỗi em năm mươi ngàn để học trò liên huan cùng thầy cô của mình. Mua trà sữa và bánh ngọt, thế là hai mươi tháng mười một.
Và cũng... nhất quỷ nhì ma. Tôi xem một cái clip mà hồi hộp. Thầy giáo bước vào, hai học sinh nữ ngồi hàng đầu cãi nhau rất to, sừng sộ đứng lên như chuẩn bị đánh nhau. Thầy giáo hốt hoảng đứng vào giữa can ngăn những cái đầu nóng. Bất ngờ cả lớp đứng bật dậy, đồng ca “khi thầy viết bảng bụi phấn bay bay...”. Hai cô học trò vừa suýt đánh nhau thì nắm tay nhau... múa. Thầy sau phút bất ngờ bèn vỗ tay hát theo.
Tất cả những câu chuyện ấy làm ta xúc động.
Dẫu quả là, còn nơi này nơi kia, chuyện này chuyện kia chưa hay về ngành giáo dục, nhưng các thầy cô giáo, những người trực tiếp đứng lớp ấy, trực tiếp truyền lửa ấy, họ vẫn xứng đáng nhận những lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày này. Họ xứng đáng được tri ân trong ngày này.
Đời đi học của mình, tôi không thể thống kê được đã qua bao nhiêu người thầy để mình được như bây giờ, tôi luôn nhớ về họ với sự biết ơn chân thành nhất, dẫu có thể chỉ là một chú em bỏ ra một buổi hướng dẫn tôi sử dụng cái máy ảnh mới, tới thằng cháu nhân viên cơ quan dạy tôi photoshop vân vân.
Nhưng nhớ nhất là hồi tôi học... vỡ lòng, ngày xưa học vỡ lòng rồi vào lớp 1, học a bê xê dắt dê đi ị ấy, cô Hào dạy tôi. Cô không phải là cô giáo chuyên nghiệp, mà cơ quan chọn ra một cô “có khả năng” cử dạy lớp này cho con cán bộ công nhân viên.
Cô Hào múa đẹp, thế là được chọn. Sau này quay lại Thanh Hóa, tôi gặp cô bán ở hiệu sách Nhân dân. Lớp hai tôi học với cô Gái. Cô đi bộ khoảng mươi cây mỗi ngày để đến lớp, và chúng tôi thường rủ nhau đi... đón cô.
Cả bọn láu tháu đội mũ rơm chạy trên đê đón cô, gặp cô từ xa là ùa đến, rồi quay lại cùng cô. Cấp hai, cô Quy và cô Quyền là hai người có vai trò rất quan trọng để sau này tôi thành người làm nghề viết. Hồi dạy văn tôi các cô cũng mới học 10+3, cô Quy sau khi tôi vào cấp 3 thì cũng mới đi học tiếp đại học, sau này cô dạy ở ngôi trường nổi tiếng Thanh Hóa, trường chuyên Lam Sơn.
Tôi tự hào là một trong hàng ngàn học trò đã qua tay dạy dỗ của các cô để được như hôm nay. Kiến thức, cách dạy, sự yêu thương học trò... có thể không như nhau, nhưng sự truyền lửa của các thầy cô là cách tạo động lực học tập rất lớn cho học trò.
Nói về sự yêu thương học trò, sáng này cà phê một cô giáo vợ ông bạn kể, hồi mới ra trường, học trò tới thăm cô ngồi suốt ngày, cô phải đi mượn trứng, hái rau về nấu cơm cho chúng ăn. Chúng ở xa tới, mà đi bộ.
Ông chồng chép miệng: Thời ấy dạy không rồi còn cho chúng ăn nên chúng quý, giờ dạy lấy tiền, sự quý nó khác. Tôi nhớ cũng từng ăn cơm của các cô giáo khi đến thăm cô ngày 20/11, đến bữa cô mời thì ăn, bất cần biết nhà cô sau đấy ăn gì, mà cô lại ở nhà chồng. Quà mang tới thăm cô là nắm chè xanh hoặc mấy quả cam.
Hồi ấy ở miền Bắc, có tên gọi vui là “ngày quốc tế hiến cam các nhà giáo”. Hình như mùa này mùa cam, và có cam tặng thầy cô cũng là nhà... có điều kiện rồi. Có mấy đứa chung nhau một rổ cam tới thăm cô, lúc về nấn ná mãi không về, cô hỏi sao đấy, rụt rè bảo cô cho em xin cái rổ, mẹ em bảo biếu cô cam chứ không biếu... rổ.
Thêm một câu chuyện cũng rất xúc động những ngày này. Ấy là trong vụ cháy chung cư ở Hà Nội ấy, có một cô giáo vừa bình phục. Cô cùng chồng và con đã nhảy từ tầng 4 chung cư xuống. Và bị thương rất nặng, tất nhiên rồi, chấn thương cột sống. Rồi chấn thương tinh thần khi con gái cả mất trong vụ cháy. Nhà bốn người còn ba. Và cô đã chiến thắng, cô hứa trên một tờ báo “Tôi sẽ quay lại trường sau ngày 20/11”.
Lại một câu chuyện xúc động nữa, một cô giáo ở Lâm Đồng, dạy trực tuyến môn tiếng cho các em học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc, Hà Giang vì vùng này chưa đủ giáo viên tiếng Anh. Cách nhau cả nghìn cây số.
Rất nhiều câu chuyện xúc động trong những ngày này. Tự nó nói lên tất cả.
Tự nó xứng đáng để chúng ta tri ân.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.