Món "quà" to ẩn sau thùng xốp nhỏ trong vụ Vạn Thịnh Phát

Chia sẻ Facebook
20/11/2023 04:11:37

Nhận "quà" cảm ơn là tiền từ trăm triệu cho đến trăm tỷ đồng trong vụ Vạn Thịnh Phát, loạt lãnh đạo ngậm ngùi nhận sai.


Lấy việc sai này để che đậy việc sai khác

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan được cho là đã thao túng, lũng loạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện phạm tội.

Kết luận điều tra nêu rõ “Đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt, hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế".

Để có thể thực hiện hành vi trên mà “qua mắt” được cơ quan quản lý, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ Giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB.

Qua đó bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo không trung thực, không đầy đủ dù trong quá trình hoạt động SCB vẫn thường xuyên bị kiểm tra, giám sát, thanh kiểm tra tình hình hoạt động.

Ngoài ra để đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình và đồng phạm, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB (gồm Đinh Văn Thành - Chủ tịch HĐQT, Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng Giám đốc,...) thực hiện việc phân bổ các khoản vay do bà Lan chỉ đạo cho vay từ việc tập trung giải quyết cho vay ở một số Chi nhánh chính của Ngân hàng SCB (gồm Sài Gòn, Cống Quỳnh, Phạm Ngọc Thạch, Bến Thành) sang một số Chi nhánh SCB khác (gồm Đông Sài Gòn, Củ Chi, Tân Định ...) để làm giảm mức độ chú ý của lực lượng chức năng khi kiểm tra việc tăng trưởng tín dụng của chi nhánh.

Bao che cho cái sai, lãnh đạo "tiền mất, tật mang" vụ Vạn Thịnh Phát.


Đặc biệt là, giai đoạn 2017 - 2018, Ngân hàng SCB chịu sự thanh tra các hoạt động, trong đó có hoạt động tín dụng của Đoàn thành tra liên ngành gồm Ngân hàng Nhà nước , Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ , Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong đó có việc tập trung thanh tra tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch do đã phát hiện dấu hiệu sai phạm.

Để che giấu, đối phó với lực lượng này, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB nói trên thực hiện việc tất toán khoản của bà Trương Mỹ Lan tại Chi nhánh này bằng việc tạo lập các khoản vay mới ở các Chi nhánh SCB khác, sử dụng tiền để tất toán.

Từ đó, Chi nhánh SCB Phạm Ngọc Thạch phát sinh rất ít khoản vay của Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của mình, bà Lan đã chỉ đạo Ngân hàng SCB cho thành lập thêm các đơn vị cho vay mới (Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, Kênh kinh doanh cho vay bất động sản, Hub cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp) với đặc điểm là các đơn vị này chỉ có một bộ phận liên quan để lập hồ sơ cho vay, ký đóng dấu khoản vay (không có con dấu riêng, sử dụng con dấu của đơn vị khác), không có bộ phận ngân quỹ, kiểm tra kiểm soát sau cho vay.


Món "quà" to ẩn sau thùng xốp nhỏ

Với các hành vi lấy cái sai để che đậy cái sai của mình, bà Trương Mỹ Lan đã “kéo” theo một loạt lãnh đạo cũng vướng vòng lao lý sau khi điều tra.

Trong đó, bà Đỗ Thị Nhàn - nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cũng là trưởng đoàn và là người chỉ đạo đoàn thanh tra chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra Ngân hàng SCB đã bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ với số tiền 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng).

Do đã nhận hối lộ, bà Nhàn đã có hành vi bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho NHNN dẫn đến NHNN không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Bà Nhàn còn bị cáo buộc báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm; tạo điều kiện giúp Ngân hàng SCB tiếp tục tái cơ cấu.

Trong quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan, lãnh đạo SCB và nhận tiền với số lượng đặc biệt lớn, 5,2 triệu USD thông qua lãnh đạo SCB là ông Đinh Văn Thành - cựu Chủ tịch SCB và ông Võ Tấn Hoàng Văn - cựu Tổng Giám đốc SCB.

Cựu Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

Tại cơ quan điều tra, bà Nhàn khai nhận, trong thời gian thanh tra đã nhiều lần nhận tiền từ SCB thông qua ông Đinh Văn Thành, ông Võ Tấn Hoàng Văn và ông Nguyễn Nam Tuấn - lái xe của ông Văn.

Lần đầu tiên, cuối tháng 3/2018, ông Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn đã đến phòng làm việc của bà Nhàn để “biếu” một túi quả Cherry và một túi đựng 200.000 USD.

Tiếp đó từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2018 các cá nhân trên đã 3 lần mang các thùng xốp để đưa cho bà Nhàn bao gồm một lần thùng xốp đựng 1 triệu USD và 2 lần thùng xốp đựng 2 triệu USD, tổng cộng 3 lần là 5 triệu USD. Ông Võ Tấn Hoàng Văn nói là tiền của bà Trương Mỹ Lan cảm ơn vì bà Nhàn đã giúp và hỗ trợ cho SCB trong quá trình thanh tra.

Sau này, bà Nhàn có nhiều lần liên lạc với ông Văn để trả lại tiền nhưng ông Văn không đến nhận. Theo C03, quá trình điều tra, bà Nhàn đã thừa nhận hành vi của mình, thành khẩn khai báo, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ án và đã nộp lại toàn bộ 5,2 triệu USD đã nhận hối lộ. Ngoài ra, bà Nhàn phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích trong quá trình công tác nên C03 đề nghị xem xét cho bị can này.

Ngoài bà Nhàn, ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chánh Thanh tra tại Ngân hàng SCB cũng đã nhận tổng cộng 390.000 USD từ lãnh đạo SCB, các thành viên thuộc Đoàn Thanh tra không giữ chức vụ cũng được trao quà và tiền là 100 triệu đồng/người….


Về nguồn tiền đưa hối lộ, ông Văn khẳng định do bà Lan chỉ đạo cấp dưới lấy từ nguồn riêng, được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Hà Nội, hợp thức bằng các bút toán rút, nộp, chuyển tiền để rút ra và đổi thành USD để ông Văn mang đi đưa cho các vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. .

Chia sẻ Facebook