Lý do cựu Tổng Giám đốc Công ty Cửu Long Phi kháng cáo
Ngày 6/6, TAND thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Đỗ Tú Quân (41 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh; tổng giám đốc Công ty Cửu Long Phi).
Bị cáo Quân cho rằng mình không có hành vi phạm tội như án sơ thẩm nên kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại và trả tự do cho bị cáo.
Trước đó, vào chiều 28/5 vừa qua, bị cáo Đỗ Tú Quân bị TAND thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 18 năm tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Quân còn phải bồi thường 31,3 tỷ đồng cho bị hại.
Bị cáo Quân tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: Trọng Nghĩa).
Theo nội dung vụ án, Công ty CP Cửu Long Phi thành lập năm 2007, vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do bị cáo Quân làm Tổng Giám đốc; cha ruột Quân là ông Đỗ Vĩnh Thành làm Chủ tịch HĐQT và chị gái Quân là cổ đông công ty.
Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, đến năm 2012, công ty này có 4 cổ đông, gồm: Đỗ Tú Quân làm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật; ông Y.H.K. (quốc tịch Anh) là Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Đỗ Vĩnh Thành và bà Đỗ Tú Linh (em ruột Quân) là cổ đông.
Tỉ lệ góp vốn Đỗ Tú Quân: 11,1% bằng tiền mặt và giá trị quyền sử dụng đất; Đỗ Vĩnh Thành 0,5% bằng tiền mặt; Đỗ Tú Linh: 1% bằng tiền mặt và giá trị quyền sử dụng đất và Y.H.K.: 87,5% bằng tiền mặt.
Từ khi thành lập đến năm 2012, hầu hết hoạt động kinh doanh của công ty này là mua đất tại huyện Cần Giờ, sau đó góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào chính công ty và chuyển thành cổ phần của các thành viên, tương ứng với số tiền mua đất.
Song thời điểm này, công ty nước ngoài không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ được góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Theo đó, công ty cử người Việt Nam đại diện mua đất và chuyển chủ quyền cho công ty.
Tại Hợp đồng đầu tư kinh doanh, ký kết giữa ông Y.H.K. và cha con Đỗ Tú Quân, đã thống nhất: Khi dự án được xác nhận phù hợp thì các cổ đông sẽ yêu cầu sự chấp nhận bằng văn bản của ông Kim trước khi tiếp tục mua đất.
Từ tháng 12/2007-12/2012, ông Y.H.K. đã chuyển hơn 156 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của cha con bị cáo Đỗ Tú Quân. Số tiền này để Quân và Linh thay mặt ông Y.H.K. mua đất và đứng tên chủ sở hữu, phí hoa hồng mua đất là 3%.
Sau đó, chị em Quân sẽ góp vốn chuyển nhượng các thửa đất này vào công ty, và quy ra tỉ lệ cổ phần tương ứng trên giá trị các thửa đất đã góp vốn hoặc chuyển nhượng.
Từ năm 2008-2011, Quân đã rút hơn 31,3 tỷ đồng do ông Y.H.K. gửi vào tài khoản của Công ty CP Cửu Long Phi với lý do để mua 2 lô đất. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi đã rút số tiền trên thì Quân không tiến hành việc mua đất, cố tình gian dối, chối bỏ trách nhiệm và chiếm đoạt số tiền này.
Trong năm 2012, qua kiểm toán, công ty phát hiện khoản chi hơn 31 tỷ đồng không hóa đơn chứng từ. Phiếu chi này do Quân chỉ đạo kế toán lập nên với nội dung “ứng tiền thực hiện giải tỏa mặt bằng dự án trang trại nuôi yến”, người nhận là cha ruột Quân.
Công ty CP Cửu Long Phi nhiều lần yêu cầu Quân giao đất hoặc trả tiền, song người này không thực hiện nên ông Y.H.K. đã tố cáo sự việc với công an.
Tuy nhiên, làm việc với cơ quan điều tra, cha ruột Quân khai chỉ ký để hợp thức hóa chứng từ theo yêu cầu của con gái, chứ không nhận tiền.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quân phủ nhận nội dung cáo buộc và cho rằng, hơn 31 tỷ đồng mà bị cáo bị cáo buộc đã chiếm đoạt, thực chất đã rút ra khỏi tài khoản và giao cho cha ruột.
Trái lại, ông Thành khai không nhận tiền, chỉ ký biên nhận theo yêu cầu của Quân. Về số tiền 31 tỷ đồng, ông Thành khai biết tiền được bị hại gửi về để mua đất, nhưng không trực tiếp nhận số tiền này.
Không đồng tình với lời khai của ông Thành, bị cáo Quân kêu bị oan. Tuy nhiên, lời kêu oan của Quân không được đại diện VKS và HĐXX cấp sơ thẩm chấp nhận.