Henna – Thần dược cho sắc đẹp và biểu tượng văn hóa của thế giới

Chia sẻ Facebook
19/03/2023 10:22:35

Từ thời cổ đại, con người đã biết đắp lá henna nghiền lên tay sẽ giữ được màu sắc. Qua thời gian, henna đã có nhiều ứng dụng hơn, cả trong mảng làm đẹp, chữa bệnh và các nghi thức văn hóa.

Henna giúp tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ. (Ảnh ghép ShuttterStock)


Bất kể tuổi tác, chủng tộc hay giới tính, con người luôn có nhu cầu chăm sóc cho cơ thể để cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Ở Ấn Độ, người ta thường tô điểm bằng các loại trang sức như vòng đeo tay, hoa tai, dây chuyền và những món đồ làm bằng kim loại hay đá quý. Vào những dịp đặc biệt, họ thích vẽ những hình vẽ phức tạp lên bàn tay và bàn chân bằng henna – một loại bột thảo dược có lịch sử lâu đời trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Nghệ thuật cơ thể truyền thống henna không chỉ giúp người ta tự tin và thu hút hơn, mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài.

Henna là gì?

(Ảnh: Swapan Photography/ Shutterstock)


Henna là một loại thuốc nhuộm thực vật lấy từ lá của loài thực vật nhiệt đới có hoa tên là Lawsonia inermis (một thành viên của họ Lythraceae, hoặc họ loosestrife). Nó còn được gọi là cây đinh hương Ai Cập hoặc cây mignonette. Loại cây nhỏ/cây bụi lớn này phát triển mạnh ở vùng bán khô hạn và có thể đạt chiều cao trung bình từ 3 đến 8 mét. Bột henna được làm từ những chiếc lá của loài cây nhiệt đới này. Hoa của cây thường có màu trắng, thơm nồng, nên chiết xuất của nó thường được sử dụng trong nước hoa và dầu thơm. Henna có nhiều tên gọi khác nhau trên khắp Ấn Độ, chẳng hạn như “marudhani”, “ranjaka”, “mendi” và “gorinta”, nhưng tên thường gọi nhất là “henna” hoặc “mehndi”.

Lịch sử cây henna


Cây henna được coi là có nguồn gốc từ các vùng của Châu Phi, Úc và Châu Á, bao gồm cả Ấn Độ. Nhiều nhà sử học tin rằng việc sử dụng henna có nguồn gốc từ Bắc Phi rồi lan sang Ấn Độ thông qua sự hợp nhất văn hóa, được giới thiệu nhờ các Moghul Ai Cập trị vì. Trong lịch sử, người ta dùng henna để nhuộm các loại sợi tự nhiên như lụa, len, da, móng ngựa.


Vào thời cổ đại, người ta đã phát hiện ra rằng lá mehndi khi bị nghiền nát sẽ làm ố lòng bàn tay hoặc tóc (nếu bàn tay, tóc giữ nguyên như vậy, không tác động gì) trong vài giờ. Màu đỏ tươi của henna có thể duy trì trên cơ thể trong ba ngày đầu tiên sau khi sử dụng, sau đó nhạt dần, trở nên xỉn màu và cuối cùng biến mất vào ngày thứ sáu hoặc thứ bảy.


Người Hồi giáo sử dụng lá henna nghiền nát để nhuộm tóc, râu, sơn cơ thể và móng tay trong thời kỳ của Nhà tiên tri Mohammed. Cộng đồng Hồi giáo nổi tiếng là có truyền thống henna mạnh mẽ, nhưng trên thực tế, henna đã được nhiều tôn giáo khác sử dụng trước đó.


Bồ tát và các nữ Thần trong tranh Ajanta ở Ấn Độ (thế kỷ thứ 2 và thứ 1 trước Công nguyên) và các vị Thần trên tranh tường hang động ở Sri Lanka đều được trang trí bằng henna.


Xác ướp của những người cai trị Ai Cập đã được phát hiện với móng tay, ngón chân và tóc được vẽ bằng henna (mặc dù các nhà khảo cổ học không rõ liệu đây là một phần của quá trình ướp xác hay một phong tục dành cho người sống). Cũng có những bằng chứng cho thấy henna được sử dụng cho các dịp lễ hội và cô dâu trong nền văn minh Sumer cổ đại, sớm nhất là 4.000 năm trước Công nguyên.

(Ảnh: grfkrozo/ Shutterstock)

Truyền thống henna


Thông qua quá trình truyền đạt kiến thức và phong tục giữa các nền văn hóa, tổ tiên của chúng ta đã tạo ra nhiều cách sử dụng lá henna nhuộm đỏ.


Một số tôn giáo như Do Thái giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Đạo Sikh và Hồi giáo, coi henna là biểu tượng của phước lành, may mắn, hạnh phúc, sức khỏe, tài sản và tình yêu. Màu cam tự nhiên của thuốc nhuộm có liên quan đến năng lượng của trái đất, như máu và đất son. Từ lâu nó đã được sử dụng trong các nghi lễ và nghi lễ tâm linh của Trung Quốc.

Văn hóa henna Hồi giáo


Phụ nữ Hồi giáo vẽ tay bằng henna để kỷ niệm các dịp lễ như Eid, mang thai và kết hôn. Các vị khách có mặt trong bữa tiệc henna đều sẽ vẽ hoa văn lên cơ thể. Họ cùng nhau thưởng thức đồ ăn, âm nhạc và khiêu vũ.


Henna có sợi dây liên kết với “Baraka”, một lực lượng tinh thần Hồi giáo, hay phước lành, và đôi khi được sử dụng để xua đuổi tà ma hoặc năng lượng tiêu cực trong môi trường. Phụ nữ thường vẽ các hình tượng cá, đại bàng, nước hoặc chim trên tay để mang lại khả năng sinh sản, sức sống, sự giàu có và những thông điệp thiêng liêng.


Các thiết kế henna Ả Rập sử dụng phương pháp chảy tự do đầy phong cách, đặc biệt phù hợp để khắc họa hoa, tán lá và hoa văn cánh hoa. Họ để lại nhiều khoảng trắng để các thiết kế trông rõ ràng và đẹp hơn. Các mẫu Ai Cập thường có hình dạng hình học, mẫu henna của Ấn Độ thì chủ yếu là hoa.

Văn hóa henna Ấn Độ


Henna có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Ấn Độ và có mối liên hệ nội tại với nhiều lễ hội thường xuyên của đất nước, ví dụ như Diwali, Sankranthi, Holi, đám cưới, lễ đính hôn, sinh con, lễ rửa tội. Ngay cả các Nữ Thần Hindu cũng được trang trí da bằng hình vẽ henna.


Đám cưới kéo dài ba ngày của người Ấn Độ bắt đầu bằng “Bữa tiệc Mehndi”, tương tự như tiệc độc thân ở Hoa Kỳ. Buổi lễ henna này chỉ dành cho những vị khách nữ. Họ và cô dâu sẽ vẽ cho nhau những hình vẽ henna.


Theo truyền thống, chỉ những phụ nữ đã kết hôn mới được phép tham dự buổi lễ này, nhưng thời thế đã thay đổi, giờ đây tất cả phụ nữ đều được phép vẽ henna. Các thành viên nam và nữ trong gia đình, bạn bè và khách mời đều được tham gia vào bữa tiệc, thưởng thức âm nhạc và khiêu vũ.


Người ta nói rằng vết đỏ tươi trên tay cô dâu càng đậm thì chàng rể càng yêu cô ấy. Ngày nay, ngay cả những chú rể cũng vẽ henna lên tay để đo lường tình yêu của cô dâu.

Henna trong nghệ thuật cơ thể

(Ảnh: Olena Zaskochenko/ Shutterstock)


Ở Ấn Độ, người ta nghiền lá henna tươi thành bột mịn với trầu không và một ít nước. Sau một vài giờ, họ thêm vài giọt nước cốt chanh và dầu khuynh diệp vào, vậy là hỗn hợp henna đã sẵn sàng để thoa lên tay hoặc tóc.


Để đạt được kết quả tốt nhất, bạn hãy làm sạch da bằng nước, thoa thêm một vài giọt nước cốt chanh, dầu khuynh diệp hoặc dầu dừa. Sự chuẩn bị này sẽ giúp thiết kế henna của bạn tăng cường màu sắc.


Henna được bơm lên da thông qua một dụng cụ hình nón – giống như túi bắt kem khi bạn làm bánh. Bạn có thể tự tạo ra dụng cụ bằng giấy bóng kính hoặc vải mylar, cuộn thành hình nón rồi cố định bằng kim bấm hoặc băng dính. Sau khi lấp đầy hình nón bằng bột henna, bạn hãy cắt một lỗ nhỏ để vẽ henna bằng đầu nhọn. Nếu bạn không muốn tự làm thì có thể mua dụng cụ hình nón có sẵn trên thị trường. Một lựa chọn khác là bạn có thể thuê nghệ sĩ chuyên nghiệp để đảm bảo sẽ có một diện mạo tuyệt đẹp cho ngày trọng đại.

Dùng henna cho mái tóc

(Ảnh: SAM THOMAS A/ Shutterstock)


Vốn là một loại thuốc nhuộm tóc tự nhiên, henna có thể giúp cải thiện sức khỏe của tóc từ da đầu cho đến ngọn tóc. Các chất hóa học thực vật có trong phương pháp điều trị bằng thảo dược này sẽ nuôi dưỡng tóc và nang tóc, từ đó ngăn ngừa tình trạng rụng tóc, chẻ ngọn và gãy rụng. Nó sẽ giúp mang lại độ bóng và mượt tự nhiên cho tóc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và độ dày của tóc.


Nếu muốn nhuộm tóc bằng henna, bạn hãy ngâm một lượng bột henna cần thiết (khoảng tám muỗng canh cho tóc dài ngang vai) qua đêm trong nước hoặc nước hoa hồng. Bạn cũng cần thêm các loại tinh dầu vào bột nhão để hòa tan và cải thiện tác nhân nhuộm tự nhiên. Thêm một muỗng canh tinh dầu khuynh diệp, hoa oải hương hoặc hương thảo cùng với nước cốt chanh là bí quyết giúp màu nhuộm sẫm màu hơn.


Khi thực hiện, bạn hãy thoa hỗn hợp lên tóc sạch, lau khô bằng khăn theo từng phần, bắt đầu từ chân tóc. Để đạt được hiệu ứng màu nâu vàng mong muốn, bạn nên xả tóc sau ba giờ. Thoa dầu dừa lên khi tóc khô, chờ đến ngày hôm sau thì gội đầu.

Dược tính của henna


Trong hệ thống y tế Ayurveda của Ấn Độ, henna được sử dụng để điều trị sốt, vàng da, chóng mặt, các vấn đề về kinh nguyệt và một loạt các bệnh khác. Henna được công nhận là chất chống viêm, có công dụng làm giảm đau cơ và khớp.


Lawsone (axit hennotannic) trong henna có tính kháng sinh và kháng khuẩn. Henna cũng có đặc tính kháng nấm, có thể giúp giảm gàu và rụng tóc.


Một số tác dụng nuôi dưỡng của henna đối với tóc có thể đạt được hiệu quả tương tự trên móng tay. Đó là lý do tại sao con người đã biết làm đẹp cho móng tay từ hàng nghìn năm trước, rất lâu trước khi móng tay ra đời.


Trên thực tế, tất cả người dân Ấn Độ đều có trồng một cây henna trong vườn nhà để có thể vẽ tay hoặc nhuộm tóc bất cứ lúc nào. Họ thường cất hoa henna trong tủ để chúng tỏa ra mùi thơm ngọt ngào lâu dài. Hầu như mọi tấc đất ở Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu henna hàng đầu – đều có sự tồn tại của henna.


Henna dạng bột có sẵn ở các cửa hàng tạp hóa Ấn Độ và các cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Nó có giá thành rẻ, dễ sử dụng trên tóc và da.


Với tất cả những công dụng tuyệt vời kể trên, không có gì bất ngờ khi henna trở thành một sản phẩm làm đẹp được yêu thích rộng rãi trên thế giới ngày nay.


Minh Minh, Vision Times

Anastasia Lin - "Hoa hậu của các hoa hậu" - Kỳ I: Tuổi trẻ và sự đăng quang độc nhất vô nhị

"Đây mới là hoa hậu của các hoa hậu. Đừng chỉ nhìn mà hãy nghe cô ấy nói và theo dõi những gì cô ấy làm. Chẳng cần vương miện, với trí tuệ và bản…

Chia sẻ Facebook