Các nhà khoa học bối rối trước những hố bí ẩn liên tục tìm thấy dưới đáy Đại Tây Dương sâu thẳm

Chia sẻ Facebook
06/08/2022 14:35:45

Những lỗ sâu đều tăm tắp được các nhà khoa học tình cờ phát hiện đang khơi lên tò mò về dạng sự sống bí ẩn dưới đáy Đại Tây Dương.


Trong một chuyến thám hiểm đến độ sâu chưa được khám phá hết ở phía bắc Mid-Atlantic Ridge, các nhà nghiên cứu hàng hải đã tình cờ phát hiện ra một điều kỳ lạ: đó là những lỗ nhỏ được khai quật trong lớp trầm tích, tất cả đều được sắp xếp thành hàng chục đường thẳng tương đối đều tăm tắp.


Các lỗ dưới đáy biển này không quá phức tạp, nhưng chúng nằm rải rác theo một mô hình cực kỳ gọn gàng và kỳ lạ nhất là cách đều nhau. Ở dưới bề mặt Đại Tây Dương sâu khoảng 2,5 km (1,6 dặm), chúng cứ như thể được tạo ra bởi bàn tay con người (một điều khó tin).

Các hàng lỗ đều nhau dưới đáy Đại Tây Dương.


Vào ngày 23/07 vừa qua, các nhà nghiên cứu trên tàu Okeanos Explorer của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) đã sử dụng một tàu lặn robot để khám phá một sườn núi lửa dưới mặt nước ở phía bắc quần đảo Azores, gần đất liền Bồ Đào Nha.


Khoảng một tuần sau, các nhà nghiên cứu đã xác định được thêm 4 bộ lỗ nữa cách đó khoảng 483 km (300 dặm), ở độ sâu 1,6 km (1 dặm). Hiện các nhà nghiên cứu của NOAA đang yêu cầu sự giúp đỡ từ công chúng để đưa ra giải thích hợp lý cho điều mà họ vừa khám phá được.


"Trong khi các lỗ này trông như thể do con người tạo ra, những đống trầm tích nhỏ xung quanh cho thấy chúng đã được khai quật. Chúng tôi đã cố gắng nhưng không thể nhìn và chọc sâu vào các lỗ bằng các công cụ trên phương tiện điều khiển từ xa", NOAA mô tả trong một thông cáo báo chí.

Cận cảnh các lỗ nhỏ và lớp trầm tích xung quanh.


Để thêm phần bí ẩn, đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học nhìn thấy những lỗ như vậy dưới đáy đại dương. Chúng đã làm các nhà nghiên cứu bối rối trong ít nhất 20 năm.


Một bài báo năm 2004 từng báo cáo về một vụ việc nhìn thấy trong cùng một khu vực vào năm đó. Các nhà nghiên cứu gọi chúng là "lebensspuren" để mô tả các lỗ hổng, có nghĩa là "dấu vết sự sống" trong tiếng Đức.


Nguồn gốc của các hố hoặc cách chúng được tạo ra như thế nào vẫn gây tò mò lớn và chưa có lời giải đáp. Lớp trầm tích xung quanh miệng hố cho thấy dường như một sinh vật ngoại lai nào đó đã đùn lớp đất đáy biển lên cao. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa thu được bất cứ chứng cớ nào cho thấy dấu hiệu của các sinh vật sống cư ngụ trong các lỗ này.


Cuối cùng, họ đành phải thu thập các mẫu trầm tích xung quanh để nghiên cứu thêm với hy vọng làm sáng tỏ việc liệu có thứ gì đó sống trong lớp đất đáy đại dương hay không.

Các lỗ dưới đáy đại dương vẫn là một bí ẩn với giới nghiên cứu.


Đã làm việc trong cả cuộc thám hiểm gần đây và vụ việc năm 2004, nhà sinh vật học biển của NOAA, Michael Vecchione, đang theo đuổi việc khám phá chân tướng những gì ẩn nấp bên dưới những bãi cát giữa Đại Tây Dương.


"Có một điều gì đó quan trọng đang diễn ra ở đó và chúng tôi không biết nó là gì. Điều này làm rõ một thực tế là vẫn còn những bí ẩn ngoài kia để chúng ta khám phá", Vecchione cho biết.


Mid-Atlantic Ridge là dãy núi dài nhất thế giới kéo dài 10 nghìn dặm, là địa điểm hầu hết con người chưa có đủ khả năng để khám phá được hết. Chính bởi vậy, dãy núi này trở thành trọng điểm ưu tiên cho cuộc thám hiểm Du hành 2022 của NOAA, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2022.

Mid-Atlantic Ridge, sống núi giữa Đại Tây Dương, chạy dài tới 10 nghìn dặm.


Ngoài ra, NOAA cũng đang xem xét khu vực Đới đứt gãy Charlie-Gibbs, nơi cắt ngang sườn núi và Cao nguyên Azores, nằm ở phía đông Đại Tây Dương.


Mid-Atlantic Ridge là một điểm nóng về động đất, và cũng là nơi có các miệng phun thủy nhiệt tuyệt đẹp, nơi magma cung cấp nhiệt lượng được sử dụng cho sự sống ở các cực dưới đáy biển sâu.


Các nhiệm vụ của cuộc thám hiểm Du hành 2022 của NOAA là tìm hiểu thêm về các sự sống bí ẩn đó, bao gồm cả nguồn gốc của những lỗ hổng kỳ lạ.


Tham khảo Science Alert

Chia sẻ Facebook