Nhiều nhân viên sẵn sàng "bật cả sếp" dù phải nghỉ việc

Chia sẻ Facebook
04/06/2023 19:41:50

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng nhiều bạn trẻ vẫn quyết định từ chối làm việc ở môi trường độc hại, bất công. Họ sẵn sàng chỉ trích cái sai, 'bật cả sếp', dù phải nghỉ việc.

Hiện nay, thế hệ trẻ có nhiều tiềm năng để trở thành nhân tố bùng nổ trong môi trường lao động. Họ thường mang đến sự sáng tạo, nhiệt huyết, và khả năng đổi mới, đóng góp vào sự phát triển và thay đổi trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, người trẻ cũng được đánh giá là một cộng đồng đề cao chủ nghĩa cá nhân nên không ngần ngại nêu lên quan điểm, thể hiện cái tôi để tìm kiếm những hướng phát triển, những cơ hội mới tốt hơn.

Không giống như những thế hệ đi trước, các bạn trẻ ngày nay có nhạy bén với thế giới công nghệ. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội mang tới vô vàn các trang web cung cấp thông tin phổ biến giúp nhân sự tìm tòi được những cơ hội tốt hơn, dễ so sánh với công việc cũ và đổi việc để có mức đãi ngộ tốt hơn. Thay vì gắn bó nhiều năm cho một công việc thì giờ đây người trẻ có xu hướng nhảy việc cao.

Thế hệ trẻ đang là nguồn nhân lực mới “chiếm sóng” lực lượng lao động. (Ảnh minh họa: Zingnews)


Gen Z vừa là nguồn lực vừa là áp lực

Hằng ngày, chị Tâm phải đối mặt với 2 áp lực. Thứ nhất là công việc, thứ hai là nhân viên. Phòng chị có 12 người, tháng nào cũng nhận được vài tin nhắn xin nghỉ việc. Nhắn tin xong là các bạn tự ý nghỉ không cần biết chị Tâm có đồng ý hay không. Những lúc như vậy, chị lại phải năn nỉ các em đi làm. Bên cạnh đó, thông qua đồng nghiệp, chị Tâm cũng biết nhiều bạn hay tám chuyện. Tuy nhiên, nữ trưởng phòng vẫn thông cảm, cho rằng đó là do các em chưa hiểu chuyện. Thêm nữa đây chỉ là cách để giải tỏa tâm trạng của các em chứ không có ác ý.

Chưa hết, theo chị Tâm, trong quá trình làm việc, cá tính của các bạn nhân viên trẻ tuổi cũng rất mạnh. "Cãi sếp” là chuyện thường như cơm bữa. Nghĩ gì là nói luôn, chẳng kiêng nể ai. Làm sếp mà lúc nào cũng phải nhịn, phải nịnh nhân viên. Dù nổi loạn, cá tính mạnh là thế nhưng chị Tâm chưa bao giờ có ý định cho các bạn ấy nghỉ việc. Nữ trưởng phòng hiểu rõ đây là đặc điểm chung của các bạn mới đi làm, đã tuyển dụng thì phải chấp nhận, nắn chỉnh dần dần. Bên cạnh đó, có các bạn thế hệ trẻ đôi lúc cũng khiến phòng làm việc trở nên vui vẻ, sôi động hơn.

"Cãi sếp” là chuyện thường như cơm bữa. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Mai Trang (22 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), là một nhân viên trẻ cho biết khi nào "giận sếp" sẽ không bao giờ trả lời tin nhắn. Chỉ đến cuối ngày, trước khi ra về Trang mới phản hồi cho có lệ. Hôm nào giận sếp quá thì cô sẽ tự ý nghỉ, sếp có nhắn tin thì nói bản thân ốm mệt bây giờ mới tỉnh. Nếu có bị đuổi việc Trang cũng không quan tâm nhiều vì bản thân còn trẻ chưa vướng bận điều gì, nghỉ sẽ tìm việc ở nơi khác tốt hơn.

Anh Ngô Anh Tuấn (35 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) - Trưởng phòng Marketing chia sẻ bản thân sợ làm việc với các bạn trẻ tuổi. Ở thời điểm hiện tại, anh chưa có ý định tuyển thêm bất kỳ bạn trẻ nào. Được biết, năm 2022, anh có tuyển 3 bạn sinh năm 1999 và 2000. Điều mà anh cảm thấy không hài lòng ở các bạn đó là khá ảo tưởng về bản thân và thường xuyên có lý do cho các lỗi lầm. Lúc giao việc, các bạn đều rất hào hứng, vâng vâng dạ dạ như chắc chắn sẽ hoàn thành tốt. Nhưng đến khi làm thì mới thấy, người thì trễ deadline, người nửa vời, không đầy đủ, hoặc làm sai từ đầu đến cuối. Bên cạnh đó, việc đi làm muộn, xin ra ngoài cũng diễn ra thường xuyên.

Nhiều người sẵn sàng “đốp chát” với sếp, tự tin quá đà về năng lực bản thân. (Ảnh minh họa: Nhà Quản Lý)

Có người tiết lộ trong nhóm chat riêng các bạn trẻ thường xuyên than thở áp lực, chê lương thấp. Tuy nhiên, anh Tuấn không quá coi trọng vấn đề này, anh vẫn ân cần chỉ dạy và khuyên bảo các bạn. Sau một thời gian, nếu các bạn không có tiến bộ trong công việc, vẫn đứng núi này trông núi nọ, anh mới quyết định cho nghỉ việc.

Làm việc với Gen Z thật sự là áp lực chồng áp lực đối với các sếp. Trong một công ty ở New York, các nhân viên trẻ đã thường xuyên làm sếp đau đầu vì xin nghỉ phép khi cảm thấy tự dưng tụt mood không có hứng làm việc hay đau bụng quá làm không nổi. Ở một số công ty khác, nhân viên trẻ còn dám tranh luận với sếp về chuyện tại sao phải đến công ty lúc 8 giờ trong khi họ vẫn có thể hoàn thành công việc trong buổi chiều. Nhóm lao động trẻ dám từ chối các nhiệm vụ được giao, thậm chí nghỉ việc nếu bất đồng với công ty. Điều này không khó giải thích bởi những năm gần đây, họ đã học được cách tư duy phản biện, hiểu về không gian an toàn để thể hiện bản thân.

Các nhân viên trẻ thường xuyên làm sếp đau đầu. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Lên tiếng chống lại sự bất công


Hoàng Nam (21 tuổi) đã đưa ra một quan điểm quan trọng về sự cần thiết của thẳng thắn trong việc trao đổi ý kiến và ý tưởng: "Nếu các buổi thảo luận, nơi mọi người được bày tỏ ý tưởng, quan điểm mà mình lại không thể thẳng thắn trao đổi thì sẽ không đạt được hiệu quả. Nhưng thẳng thắn đưa ra góc nhìn lại bị đánh giá là 'thể hiện', không tôn trọng mọi người. Mình cũng nhận thấy khoảng cách giữa những bạn trẻ như mình và các anh chị lãnh đạo, quản lý Gen X, Y khi nhìn nhận về các vấn đề. Giá như có cách giúp mình bộc bạch và học hỏi cách trình bày một cách hiệu quả hơn".

Thẳng thắn trong việc trao đổi ý kiến và ý tưởng để đạt hiệu quả công việc. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Minh bạch, thấu hiểu và giỏi chuyên môn, đó là những tiêu chí mà Hương Thảo (22 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) mong muốn ở một người quản lý. Thảo gặp nhiều khó khăn khi mâu thuẫn với người sếp cũ. Người sếp của cô làm trái ngành, anh ấy thường chỉ đạo ngược lại với kiến thức chuyên ngành mà Thảo được học. Khi Thảo đưa ra ý kiến cá nhân, anh không giải thích thỏa đáng mà chỉ yêu cầu Thảo phải nghe theo.

Thậm chí, Thảo còn khó chịu với cách quản lý của sếp. Cô được yêu cầu vẫn phải theo dõi, trả lời tin nhắn công việc vào buổi tối và các ngày cuối tuần. Một lần, bỏ lỡ tin nhắn của sếp, cô bị khiển trách công khai, đồng thời phải giải trình vì sao không online. Thảo sẵn sàng chuyển việc nếu cảm thấy bản thân không phù hợp. Cô tự tin mình có nhiều cơ hội việc làm. Nếu nghỉ ngơi 1-2 tháng, nhân sự này vẫn có thể nhờ bố mẹ hỗ trợ tài chính.

Một người sếp tốt cần minh bạch, thấu hiểu và giỏi chuyên môn. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Xóa đi sự khác biệt, kéo gần khoảng cách giữa hai thế hệ


Vấn đề tranh cãi giữa quản lý - nhân viên vốn không còn xa lạ trong môi trường công sở và đã xảy ra ở rất nhiều thế hệ. Điều này đã nhiều lần được chia sẻ tại BESTIE . Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển của công nghệ giúp người trẻ có nhiều nhận thức hơn, phát triển đa chiều, đa dạng hơn. Họ trang bị cho mình nhiều kỹ năng diễn đạt, tư duy phản biện và trình bày ý kiến tốt hơn.

Nhân sự trẻ rất kỳ vọng vào chủ nghĩa cá nhân, tôn trọng và cần được lắng nghe. Cách họ nói ra ý kiến, phê phán ai đó được xem là hành động để thể hiện quyền tự chủ, quyền công bằng của chính họ.

Người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội làm việc hơn. Chính vì thế, họ có xu hướng mong muốn được khẳng định vai trò trong xã hội. Họ sẵn sàng lên tiếng chống lại sự bất công khi bị yêu cầu làm những công việc không tương thích. Tư duy phản biện là kỹ năng rất cần thiết, song người trẻ nên phân biệt rõ giữa tư duy phản biện và việc tranh cãi thiếu văn minh, hành xử thô lỗ.

Nhân sự trẻ đề cao chủ nghĩa cá nhân, tôn trọng và cần được lắng nghe. (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Việc tranh cãi trong môi trường làm việc có thể là cách để cải thiện mối quan hệ và hiểu nhau hơn giữa nhân viên và cấp trên. Tuy nhiên, việc tranh cãi cũng có thể khiến cả hai bị tổn thương, nhiều người dễ bị quy chụp với việc thiếu tôn trọng cấp trên. Hiện nay, thế hệ trẻ đang ngày càng chiếm phần lớn trong thị trường lao động. Vì vậy, muốn quản lý và tận dụng tốt nhóm này, doanh nghiệp cần tạo điều kiện để họ thể hiện và phát huy tốt nhất năng lực của mình.

Thế hệ trẻ thường có tư duy yêu tự do và không ưa sự bó buộc quá nhiều từ các quy trình quản lý và quy chế làm việc cứng nhắc. Do đó, tối giản các quy trình trong quản lý, đánh giá nhân viên dựa trên nỗ lực, hiệu suất làm việc chính là điều nhân sự cần áp dụng, thay vì những nội quy và bảng đánh giá đầy các tiêu chí cứng nhắc.

Ngoài ra, nếu khoảng cách thế hệ là rào cản ngăn cách nhân viên và nhà lãnh đạo, doanh nghiệp cần phương thức quản lý dễ tiếp cận và dễ nắm bắt hơn. Điều này, người quản lý ngoài chuyên môn cao để nói được, làm được cũng cần có kỹ năng hỗ trợ và quan tâm để người lao động cảm nhận được sự tôn trọng.

Khoảng cách thế hệ là rào cản ngăn cách nhân viên và nhà lãnh đạo. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Là thế hệ lớn lên cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, người trẻ không ngần ngại lên tiếng cho những nhu cầu, sở thích riêng của bản thân. Những bài viết nêu lên quan điểm cá nhân liên tục được cập nhật tại YAN! Những phúc lợi chung cho toàn thể nhân sự cần thiết, nhưng chưa đủ với nhân sự trẻ. Vì vậy, doanh nghiệp có thể thay đổi chính sách phúc lợi theo mô hình linh hoạt theo nhu cầu từng cá nhân.

Trong cuộc sống, luôn có được và mất. Nhân viên trẻ có nhiều cơ hội, nhanh nhẹn, được đầu tư, tiếp xúc sớm với công nghệ nhưng đi kèm là áp lực về sự cạnh tranh khốc liệt. Chính vì vậy mỗi bạn trẻ cần biết điểm dừng để bản thân không chịu thiệt và không làm ảnh hưởng tới người khác. Mỗi thế hệ đều có những giá trị và ưu tiên riêng. Thái độ của người trẻ đối với công việc sẽ gây ngạc nhiên cho các thế hệ trước, nhưng phải thừa nhận cả đóng góp của họ đối với sự thay đổi trong văn hóa làm việc.

Đằng sau sự nhanh nhẹn, sẵn sàng đòi quyền lợi cho bản thân, gen Z cũng phải bỏ ra không ít công sức để trau dồi và đây là thế hệ cuồng công việc. Các bạn trẻ sẵn sàng đặt ra nhiều mục tiêu, kế hoạch cụ thể và cố gắng đạt được chúng bằng mọi giá. Họ nỗ lực hết mình để rồi không biết chìm vào công việc từ lúc nào.

Thậm chí, có những bạn làm việc quên ăn, quên ngủ, bỏ qua nhiều khoảnh khắc đẹp cùng gia đình, bạn bè. Họ không còn sở thích cá nhân hay từ lâu chẳng xem bộ phim hấp dẫn. Gen Z - những con người xuất sắc dần tạo ra áp lực lớn khiến cho các bạn buộc phải cố gắng, nỗ lực để không bị thụt lùi về phía sau.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook