Bánh mì Việt

Chia sẻ Facebook
29/11/2023 06:59:39

Bánh mì, chắc chắn nó không phải là sản phẩm gốc của người Việt, nhưng tới giờ, nó, bánh mì thịt ấy, chính là món ăn chuẩn bản sắc Việt, bởi nó đã thuần Việt hoàn toàn.

Báo chí đưa sáng 28/11, trong không gian đậm chất Việt Nam tại con phố nhỏ ở Thủ đô Tokyo, với những chiếc nón lá, những cành hoa sen, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Thống đốc Tokyo và một số quan chức của Nhật Bản đã thưởng thức bánh mì, mì Quảng, cafe Việt…

Trong tôi trào lên niềm xúc động và những hồi ức lại ùa về.

Tôi nhớ hồi nhỏ, thời bao cấp ấy, hôm nào thấy... vui trong người, mẹ tôi quyết định ăn tươi, sai tôi mang cái tem gạo ra cửa hàng bánh mì đổi lấy bánh về liên hoan. Căn giờ bánh mới ra lò, còn nóng hổi và thơm phức, ruột rỗng vỏ giòn tan, ô tem 2,25g đổi được một cái to hoặc vài cái nhỏ. Mang về, nhẹ thì ăn với đường hoặc sữa được mẹ cất kỹ trong chạn, đặt trong cái đĩa có nước để chống kiến. Sang hơn thì tráng quả trứng mỏng lét rồi kẹp vào bánh. Trời ơi nó là một cuộc thịnh soạn với cả nhà. Hôm nào có tí bạc nhạc bò mẹ làm món sốt vang thì trời ạ, Tết chính là ngày ấy.

Sau này về Huế học đại học, thì mấy cái xe bánh mì trước cổng trường là cả trời kỷ niệm. Mỗi đứa có một trang sổ “lưu niệm” được “bà bóp” ghi rất cẩn thận từng ngày, dẫu quăn queo nhưng được giữ rất kỹ. Có đứa ra trường tới mấy năm rồi quay lại xin xem lại cuốn sổ, cá biệt có vài đứa... cá biệt, lúc ấy mới trả tiền ký nợ khi thấy tên mình vẫn còn khoanh chữ chưa trả to tướng.

Thì nó không phải là sản phẩm của dân Việt nhưng giờ nó trở thành của Việt Nam, nghe nói sách du lịch thế giới ghi rõ thế, và nó mặc nhiên như thế.

Ấy là nhờ chính cái sự sáng tạo tuyệt vời của người Việt, mà tôi đồ chừng là của chính những người bán cái xe bánh mì lam lũ kia, đa phần là phụ nữ nghèo, nhặt tiền lẻ hàng ngày kia, chứ chưa chắc đã là của các đầu bếp chuyên nghiệp đồng phục trắng toát trong các nhà hàng sang trọng.

Bánh mì thịt, tức nhân thịt, nhưng thực ra nó muôn hình vạn trạng nhân.

Sinh viên thì ăn bánh mì nước xíu, tức chỉ nước thịt rưới vào thôi, hoặc xì dầu có mấy cọng hành, rau mùi (ngò). Sinh viên Huế chúng tôi thời gian khó ấy thì bánh mì kẹp... bánh bột lọc. Ăn một cái bánh mì xì dầu thì đói, bèn thêm mấy cái bánh bột lọc làm nhân, tăng thêm một cấp độ no để vào giảng đường. Nhiều xe bánh mì chưng thứ nước rưới bánh mì ngon kinh khủng trong khẩu vị sinh viên.

Còn thông thường thì thịt heo với khoảng dăm thứ “độn” vào gồm rau thơm vài loại, dưa leo, hành..., thịt heo thì gần đây người ta làm thêm bánh mì thịt heo quay chứ ban đầu nó là thịt luộc thái sợi. Và một thứ quan trọng không thể không có trong ổ bánh mì Việt là... ớt. Tất nhiên  vì thế những người hay mua bánh mì luôn biết cách để... điều tiết ớt. Không ăn được ớt thì hẹn không ớt, mà thích ăn nhiều cũng hẹn.

Mà miếng ớt trong bánh mì, nó cũng là cả một nghệ thuật cao cường.

Những chiếc bánh mì, cốc cafe mang hương vị Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các quan chức Nhật Bản (Ảnh: Nguyễn Hồng/Baoquocte.vn).

Lâu lắm, tôi từng viết về bánh mì và ớt như thế này: “Một trong những thứ hấp dẫn trong nhân bánh mì Việt là... ớt. Không ớt xanh, cũng không chỉ thiên, chỉ thấy là ớt chín đỏ, xắt lát mỏng, xiên... người bán bánh mì xếp chừng 3, 4 lát ớt vào ruột bánh lẫn theo nhân. Nhân bánh mì thịt càng ngày càng phong phú, nó như cả một cửa hàng tổng hợp trong ấy. Một chút thịt luộc, một chút thịt quay, chút chả, chút pate, chút xúc xích, chút rau thơm, chút hành, chút dưa chuột, chút dưa đu đủ với cà rốt vân vân nữa, tạo thành một hỗn hợp hết sức bí mật và... bất ngờ.

Nhiều người đi mua cẩn thận yêu cầu: không ớt. Thì không. Có người mua về rồi thì banh bánh mì ra chọn ớt bỏ đi...

Còn đa phần là để thế ăn.

Nó thú vị vô cùng.

Ấy là vừa ăn vừa nghe, vừa cảm nhận.

Đang nhai nhiếc bình thường thế, nhói cái. Ấy là miếng ớt. Nó không quá cay để phải nhè ra, nhưng cũng không bình thường như miếng dưa leo, miếng thịt... nhân bánh. Nó khiến ta nhói lên một cái, hơi ngậm miệng lại, rồi nhón nhén nhai tiếp. Yên tâm đã qua một miếng ớt. Hít hà phát, hơi lạnh (của ớt nóng) phả ra, hít hà phát nữa, cái nóng thành cái mát, cái cay thành cái ngọt. Thế là yên tâm cắn tiếp...

Nhưng lại vừa cắn vừa dè chừng, bởi sợ ăn tiếp miếng ớt thứ 2. Ở đây người bán đã rất tinh tế để rải đều mấy miếng ớt trong cái bánh, đủ để người ăn không ăn phải 2 miếng ớt liên tiếp. Tuy thế người ăn vẫn dè chừng, vẫn nhón nhén, vừa sợ vừa thích thú, như kiểu úp úp mở mở ấy... vừa hồi hộp vừa yên tâm, vừa đợi vừa không mong, vừa đắn đo vừa hồ hởi, vừa nhắm mắt vừa ti hí”...

Giờ bánh mì Việt vào cả các nhà hàng sang trọng. Buffet sáng các nhà hàng năm sao sang trọng cũng có bánh mì Việt, tất nhiên không cả cái như thế mà được cắt từng khúc nhỏ, trông rất bắt mắt, nằm lừng lững cạnh các món bánh mì tây. Một món bánh mì chắc cũng biến thể từ món bò bít tết, khi vào Việt Nam là món “bò né”. Chắc nó chỉ động tác của khách ăn khi người phục vụ bưng ra thì phải nghiêng/ né người để dầu mỡ đang sôi sùng sục trong chảo gang không bắn vào người.

Dù gì thì, bánh mì Việt giờ đã trở thành quen thuộc, không chỉ là món ăn dân dã, mà nó còn là thức sang trọng ở những nơi sang trọng, bởi nó ngon thật sự. Tôi thì, một tuần vẫn có một ngày ăn bánh mì, vào quán cà phê quen, gọi điện đến quán bánh mì “ngon nhất Pleiku” nhờ ship đến. Rồi ổ mì thịt giòn tan thơm phức với li cà phê đen quen thuộc, lướt báo ngày hoặc gẫu chuyện với bạn... nó trở thành một nhu cầu, một thói quen thường ngày, mà nếu thiếu là bứt rứt, là như mình chưa xong một thủ tục nào đấy.

Thế nên đọc tin Chủ tịch nước và Phu nhân cùng quan chức Nhật Bản thưởng thức bánh mì, cafe Việt giữa lòng Tokyo trong tôi trào lên bao kỷ niệm về bánh mì Việt, từ thời khó khăn vất vả  tới giờ, ăn để thưởng thức, ăn như một món ăn sang trọng... Và với việc nó có mặt ở nước ngoài, thì bánh mì thịt Việt Nam lại đang làm một trọng trách quan trọng là sứ giả văn hóa....


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook